10.000 tỷ đồng chống ngập cấp bách

TP - Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, một trong những nguyên nhân gây ngập nặng là hệ thống cống thoát nước hầu hết được xây từ thời Pháp cho đô thị gần 2 triệu người, nhưng hiện dân số TPHCM đã tăng gấp 5 lần, lượng nước sinh hoạt thải ra hằng ngày cao gấp nhiều lần so với thiết kế.
Ngập lụt làm xáo trộn đời sống người dân.

Mưa lớn, cống nhỏ       

Tại hội thảo tìm giải pháp chống ngập vừa diễn ra, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Lê Hoàng Minh cho biết các tuyến cống thoát nước xây dựng theo quy hoạch 752 có cao trình mực nước thiết kế là +1,32 m, nếu lượng mưa trên 85 mm thì cống cấp 3 sẽ tràn lên đường gây ngập. Từ năm 2006 đến nay, TPHCM đã xuất hiện khoảng 30 cơn mưa có cường độ trên 85mm. Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, đỉnh triều cường thường đạt mức rất cao (trên 1,5 m), năm sau cao hơn năm trước.

Xây hồ điều tiết chống ngập

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, TPHCM dự kiến xây dựng một số hồ điều tiết như hồ Bàu Cát (trong khuôn viên Bàu Cát, đường Đồng Đen, phường 13, quận Tân Bình) dài 125 m, rộng 32 m, sâu 2,5 m có thể chứa khoảng 10.000 m3 nước với kinh phí đầu tư khoảng 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TPHCM đang triển khai dự án xây hồ điều tiết tại công viên Khánh Hội (quận 4) với quy mô 4,8ha, sâu 6m, vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. TPHCM đang lập dự án xây dựng ba hồ ở quận Thủ Đức với tổng kinh phí xây dựng dự kiến khoảng 600 tỷ đồng.

Đơn cử như cơn mưa chiều 15/9 đã làm phát sinh 66 điểm ngập. Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý thoát nước (Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM), đây là cơn mưa lớn nhất trong năm 2015, xảy ra khi triều cường đang đạt đỉnh 1,40 m (trạm Phú An trên sông Sài Gòn), trên báo động 1. Lượng mưa đo được tại trạm An Lạc là 142 mm, trạm Nhà Bè: 134 mm, trạm Xuân Hòa: 114 mm, …vượt tần suất thiết kế rất nhiều, thời gian mưa ngắn. Ngay cả hệ thống kênh Tân Hóa - Lò Gốm vừa cải tạo chỉ chịu được những trận mưa vũ lượng tối đa khoảng 92 mm, mực nước triều khoảng 1m.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, nếu hệ thống cống thoát nước TPHCM theo quy hoạch 752 không còn phù hợp thì rất đáng lo vì hàng nghìn ki lô mét đã xây dựng xong, không lẽ moi lên hết để làm lại.

Theo Thạc sỹ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM, việc làm các tuyến đường vành đai sẽ khiến thành phố bị ngập trầm trọng hơn. “Theo quy hoạch giao thông đến năm 2025, TPHCM sẽ xuất hiện hàng loạt các tuyến đường vành đai ngay tại những khu thấp và chính những khu vực này sẽ là những cản trở cho những giải pháp giải quyết vấn đề ngập. Quy hoạch giao thông sẽ bao bọc TPHCM bởi vành đai ba lớp và khi có mưa bên trong vành đai sẽ làm những lối thoát nước bị bao bọc. Giao thông cải thiện tốt hơn nhưng việc thoát nước chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn”.

Xã hội hóa chống ngập

Theo một số chuyên gia, để chống ngập một cách căn cơ, TPHCM cần triển khai quy hoạch thủy lợi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1457. Đó là xây dựng tuyến đê bao dài trên 170 km trên bờ hữu sông Sài Gòn từ Tây Ninh về TPHCM với 13 cống kiểm soát triều tại các cửa sông, rạch để tạo vành đai vững chắc bảo vệ TPHCM. Tuy nhiên, do ngân sách không bố trí đủ vốn, sau gần 6 năm, TPHCM mới hoàn thành cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè và trên 30 km đê bao từ sông Vàm Thuật đến bắc Rạch Tra. Hiện nay, vốn đầu tư của dự án đã tăng hơn 5 lần, từ 11.000 tỷ đồng lên 57.800 tỷ đồng.

Một trong những giải pháp hữu hiệu là xã hội hóa. Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Công ty Trung Nam) đề xuất tham gia đầu tư một phần dự án 1457, xây đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tại các khu vực xung yếu, nhà đầu tư sẽ xây dựng năm đoạn kè dài gần 7 km với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư (chưa kể chi phí bồi thường, giải tỏa) để làm dự án ước tính là gần 22.700 tỷ đồng. Sau khi công trình được đưa vào sử dụng, UBND TPHCM sẽ hoàn lại cho nhà đầu tư trong thời gian 5 năm.

Trước đó, tập đoàn Vingroup cũng đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đê bao ven sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ranh dự án Sài Gòn Pearl) theo hình thức BT.

Ngày 16/9, nguồn tin từ Văn phòng UBND TPHCM cho biết Thủ tướng đã đồng ý bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ sắp xếp và hỗ trợ doanh nghiệp (giai đoạn 2015-2020) để thực hiện các dự án chống ngập cấp bách thuộc quy hoạch thoát nước và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho thành phố. Ngoài ra, Thủ tướng đồng ý cho TPHCM áp dụng cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập, như hình thức hợp đồng BT, thanh toán bằng quỹ đất. Nếu giá trị quỹ đất thấp hơn, TPHCM được dùng ngân sách thanh toán phần chênh lệch.

Thời tiết cực đoan trong 40 năm qua

Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ, không chỉ các trận mưa bất thường gây ngập trên diện rộng gần đây ở thành phố Biên Hòa và TPHCM, từ đầu năm đến nay thời tiết ở các tỉnh khu vực Nam bộ có nhiều diễn biến cực đoan. Cụ thể: Các trận mưa lớn, lốc xoáy kèm vòi rồng và giông xuất hiện nhiều hơn và tần suất cao nhất trong 40 năm qua.

Ông Giám cho rằng ngoài một số nguyên nhân khách quan như ý thức của người dân kém khi xả rác vào đường cống gây tắc nghẽn, hạn chế dòng chảy thì hệ thống hạ tầng thoát nước tại TPHCM cũng như một số nơi lân cận chưa đáp ứng được việc thoát nước. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất gây nên hiện tượng thời tiết bất thường vừa qua là do phá rừng làm biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng khó lường. Trong những ngày tới, TPHCM nói riêng và Nam bộ nói chung vẫn còn mưa do ảnh hưởng gió mùa Tây Nam.