Yếu tố thay đổi cục diện chống dịch COVID-19

TP - Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN) cho hay, sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đang là một mối lo ngại và càng chứng minh tầm quan trọng của hành động tập thể.
Vắc-xin là yếu tố quan trọng trong chống dịch COVID-19. Ảnh: H.M

Theo đó, ngăn chặn virus thông qua các biện pháp đảm bảo sức khỏe cộng đồng hiện có, cũng như mở rộng sản xuất và triển khai tiêm vắc-xin nhanh nhất có thể sẽ đóng vai trò tối quan trọng. Đại diện của UN đánh giá, lô vắc xin đầu tiên của COVAX gồm 811.200 liều về tới Việt Nam được xem là thời khắc lịch sử và là một yếu tố giúp thay đổi cục diện chống dịch COVID-19.

“Thành công của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh thời gian qua được thế giới đánh giá rất cao. Trong khi nhiều quốc gia không hành động hoặc chậm thì Việt Nam rất quyết đoán. Thành quả đó giúp Việt Nam không phải phong toả toàn quốc, hệ thống y tế vẫn hoạt động hiệu quả, người dân không trải qua hoảng loạn, lo lắng. Đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục quấy phá, các biến chủng đang phát triển mạnh và tạo ra nhiều virus với sức chống chọi tốt hơn. Chúng ta phải thực hiện tiêm chủng cho người dân toàn cầu để tạo miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới, từ đó ngăn chặn sự xuất hiện của những thể đột biến nguy hiểm”, Điều phối viên thường trú của UN tại Việt Nam nhấn mạnh.

Mặc dù những thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang gây khó khăn cho việc ấn định trước ngày và lượng vắc-xin tiếp nhận, song COVAX vẫn lạc quan trong việc có thể cung cấp lượng vắc-xin đủ cho tối đa 20% dân số tại các quốc gia đủ điều kiện trước thời điểm cuối năm nay.

“Một lần nữa xin khẳng định, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) sẽ sát cánh cùng các quốc gia để đảm bảo đưa vắc-xin đến những đối tượng ưu tiên một cách hiệu quả nhất có thể, với ưu tiên hàng đầu là tính an toàn”- ông Kamal nói và thông tin thêm, UNICEF cũng sẽ mua khoảng 400 tủ đông bảo quản vắc-xin và hơn 2000 tủ đông loại nhỏ, hộp lạnh, xe tải đông lạnh và ống tiêm cho Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên chở ống tiêm sẽ tới Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Tối 3/4 Bộ Y tế cho biết có thêm 6 ca mắc mới (BN2621-2626) COVID-19 được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Bắc Ninh (4), Tây Ninh (2). Đến nay tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 27.478.Tối 3/4 Bộ Y tế cho biết có thêm 6 ca mắc mới (BN2621-2626) COVID-19 được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Bắc Ninh (4), Tây Ninh (2). Đến nay tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 27.478.

“Mặc dù vắc-xin an toàn và hiệu quả là yếu tố có thể thay đổi cục diện tình hình, nhưng trước mắt, chúng ta vẫn phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe cộng đồng như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn và tránh nơi đông người. Việc được tiêm vắc-xin không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan và đặt bản thân cũng như người khác vào tình thế rủi ro”, ông Kamal lưu ý.

Đại diện của UN nhận định, các hành động phối hợp để theo dõi chủng virus, hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc-xin, cùng với việc tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với vắc-xin là những yếu tố cần thiết để đón đầu ngăn chặn virus.

“Chúng tôi thừa nhận sẽ có rất nhiều việc phải làm để đạt được điều này, và chúng tôi sẽ sát cánh cùng Bộ trưởng Bộ Y tế để giải quyết sự bùng phát COVID-19 và đảm bảo trong suốt năm nay sẽ có nhiều người dân Việt Nam được tiêm vắc-xin nhất có thể”, ông Kamal nói.