Yên Tử đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt
> Yên Tử tưng bừng khai hội
> Đại lễ 703 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
> Tiền lễ 'tấn công' Yên Tử
TPO–Đúng 20h hôm nay (mồng 9 tháng Giêng năm Quý Tỵ, tức 18-2), di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử vinh dự đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định 1419 ngày 27-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì chùa Đồng Yên Tử cho biết, Yên Tử là một trong 11 di tích trên toàn quốc được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Như vậy, Quảng Ninh là địa phương duy nhất có hai di tích quốc gia đặc biệt là di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử và di tích lịch sử Bạch Đằng.
Chương trình Lễ đón bằng di tích quốc gia đặc biệt, khai mạc Hội xuân Yên Tử năm 2013 được truyền hình trực tiếp trên các Đài truyền hình Trung ương và Đài Truyền hình Quảng Ninh bắt đầu từ 20h ngày 9 tháng giêng năm Quý Tỵ.
Ngoài các nghi thức trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt, lễ hội sẽ có các chương trình, nghi thức dâng hương, Lễ cầu quốc thái dân an, Lễ đóng dấu thiêng Yên Tử, còn có các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với trên 400 diễn viên của các đoàn nghệ thuật của Thành phố Uông Bí tham gia biểu diễn. Dự kiến, riêng ngày khai hội lần này sẽ có khoảng 1,5 vạn lượt khách du lịch đến với Yên Tử.
Trong dịp đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt, TP.Uông Bí huy động gần 200 cán bộ chiến sĩ công an, quân sự triển khai phân luồng, phân tuyến, hướng dẫn đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và tuyến đường vào khu di tích Yên Tử, thường trực phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự; trên 200 lực lượng bảo vệ các đơn vị trong khu di tích, lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia điều hành, hướng dẫn đại biểu và nhân dân về dự buổi lễ. Đặc biệt là khu vực ngã ba Dốc Đỏ, khu vực Chùa Trình nơi tổ chức buổi lễ.
Lễ đón bằng di tích quốc gia đặc biệt, khai mạc Hội xuân Yên Tử 2013 kỳ vọng sẽ là một lễ hội văn hoá nổi bật của tỉnh Quảng Ninh đầu xuân 2013, thu hút sự chú ý, tham dự của đông đảo công chúng, du khách trong và ngoài nước.
Trước đó, ngày 14-2 (tức mùng 5 Tết Quý Tỵ), khu di tích Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội đã được Chính phủ trao bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt với những giá trị tiêu biểu. Ngược dòng lịch sử, cách đây 2.300 năm, từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, Cổ Loa đã là kinh đô của nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương với vai trò là kinh thành, quân thành và thị thành. Sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc giành lại độc lập cho dân tộc, Ngô Quyền đã chọn Cổ Loa làm kinh đô.
Khu di tích Cổ Loa hiện có trên 60 di tích trong đó có bảy di tích xếp hạng di tích quốc gia, ba di tích xếp hạng di tích cấp thành phố.
Tuấn Nguyễn