Tây Nguyên là địa bàn trọng yếu có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước. Lực lượng an ninh trật tự cơ sở có liên hệ khăng khít với bà con ở thôn, buôn, luôn được người dân tin yêu. Họ là “cầu nối” tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với người dân.
Buôn nghèo chuyển mình
Con đường bê tông kiên cố chạy thẳng vào buôn Thía 1 (xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk). Những vườn cà phê, sầu riêng xanh mướt, nhà sàn xen lẫn nhà cấp bốn khang trang, sạch đẹp.
Đứng giữa vườn sầu riêng trĩu quả, anh Y Thái Niê, một trong những hộ dân làm kinh tế giỏi của buôn Thía cho biết, gia đình có khoảng 200 cây sầu riêng trồng xen cà phê. Thu nhập từ sầu riêng, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh cũng có một khoản tiết kiệm kha khá.
Trước đây, vào vụ mùa thu hoạch cà phê, sầu riêng xảy ra tình trạng trộm cắp nông sản, người dân phải mắc võng dựng lều tại rẫy để canh. Có những đêm đi tuần tra, các anh em công an viên, dân phòng phát hiện và bắt 4-5 vụ. Thanh, thiếu niên thường có hành vi gây rối, đánh nhau, nẹt pô, vượt ẩu, làm mất an ninh trật tự (ANTT), nhưng nhờ lực lượng công an viên, ban tự quản, và công an xã, huyện sâu sát nên bây giờ tình trạng này giảm nhiều. Hiện có tổ bảo vệ cơ sở, tình hình ANTT trong buôn đi vào nền nếp và ổn định. Buôn có một diện mạo mới.
Thời gian dài làm công an viên, anh Y Tốt Mlô có liên hệ cộng đồng rất khăng khít với bà con ở buôn, luôn được người dân tin tưởng. Hiện anh Y Tốt Mlô là tổ trưởng tổ ANTT buôn Thía 1. Anh chia sẻ, bây giờ cuộc sống của người dân tương đối ổn định nhờ cà phê, sầu riêng được giá.
Buôn Thía từng là một điểm nóng về tệ nạn ma tuý, trộm cắp và tảo hôn, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình. Trước đây cơn lốc hàng trắng khiến cái nghèo, cái khổ đeo bám nhiều gia đình. Nghe theo lời cám dỗ của kẻ xấu, nhiều người dính vào ma túy, trong nhà có bao nhiêu vật dụng đều “đội nón” ra đi. Tội phạm và tệ nạn về ma túy làm cho người dân không yên tâm sản xuất, kinh doanh. “Bây giờ nhiều người ý thức được đó là thứ hại sức khoẻ, có người tự giác đi cai nghiện.Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng tình ủng hộ của người dân, chúng tôi đã đẩy lùi ma túy và các tệ nạn xã hội ra khỏi địa bàn, đem lại sự bình yên cho mọi nhà”, anh Y Tốt cho hay.
Nhiều năm qua, công an huyện Krông Búk đã triển khai các kế hoạch bám buôn, bám dân, để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, đề đạt những nguyện vọng của bà con. Trước đây, một số người dân buôn Thía từng bị kẻ xấu kích động, lôi kéo tham gia chống phá chính quyền. Đặc biệt có 2 đối tượng tham gia vụ khủng bố tại huyện Cư Kuin.
Anh Y Tốt kể, khi biết thông tin các đối tượng trên địa bàn tham gia vụ khủng bố, xác định trách nhiệm của mình là vun đắp, củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, anh cùng với các cơ quan đoàn thể đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh, báo cáo cấp trên để có sự hỗ trợ. Anh luôn dành thời gian tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa âm mưu từ các thế lực xấu gây chia rẽ dân tộc.
Buôn Thía 1 có gần 220 hộ dân, trong đó 97% đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây ít người, nên đầu việc nhiều, bây giờ tổ ANTT buôn có 3 người, nên chúng tôi sẽ chia thành từng mảng như tình hình an ninh trật tự, an ninh tôn giáo, hoạt động hỗ trợ người dân các thủ tục hành chính...để sâu sát hơn.
Địa chỉ tin cậy của người dân
Chị Puih H’Oanh (25 tuổi, dân tộc Jrai) là địa chỉ đầu tiên của người dân gọi tới khi tình hình an ninh, hoà giải bất hoà ở làng Kror (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có vấn đề.
Mới đây trong làng xảy ra vụ việc chồng đánh vợ, do đối tượng quá hung hãn nên chị H’Oanh phải gọi, nhờ lực lượng công an chính quy ở xã về trấn áp. Sau đó, chị đến nhà khuyên bảo, nhắc nhở đối tượng chồng vũ phu.
“Nan giải nhất hiện giờ trong làng là tình trạng thanh niên độ xe máy, nẹt pô ồn ào và nạn tảo hôn. Bởi vậy trong những lần sinh hoạt Đoàn ở làng, tôi đều mời lãnh đạo Công an xã Ia Krêl đến nhắc nhở, khuyên bảo thanh thiếu niên tránh vi phạm pháp luật”, chị H’Oanh chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Văn Chinh - Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Đức Cơ (Gia Lai) chia sẻ, lực lượng an ninh cơ sở là người phát hiện và cùng lực lượng công an chính quy xử lý các vụ việc dứt điểm ngay từ đầu, tạo “kháng thể” tự nhiên trong quần chúng nhân dân, nhất là vùng có đông người dân tộc thiểu số và theo các tôn giáo, không để cho thế lực thù địch, tổ chức phản động xâm nhập vào địa bàn.
Học xong đại học ngành Luật ở Bình Định, năm 2022 chị H’Oanh xin vào làm công an viên làng Kror. Không chỉ xử lý dứt điểm các vụ việc mất an ninh ngay từ ban đầu, cô gái trẻ đầy nhiệt huyết này đang là “cánh tay” đắc lực của lực lượng công an để thực hiện nhiệm vụ làm căn cước công dân.
Làng Kror có 129 hộ, 600 nhân khẩu, rất nhiều người không biết nói, viết tiếng phổ thông. Nữ công an viên phải đến từng hộ vận động, hỗ trợ. Chính những việc làm với tinh thần trách nhiệm cao, nữ công an viên H’Oanh dần thêm uy tín, được mọi người tin tưởng.
Chị H’Oanh là nữ công an viên duy nhất của huyện được đào tạo bài bản khi học đại học nên chị có trình độ, năng lực, xử lý hỗ trợ công việc rất hiệu quả cho lực lượng công an chính quy. Năm 2023, chị H’Oanh đã được nhận giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai về phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc.
(Còn nữa)