Xuyên Tết giữa Hoàng Sa

TP - “Tàu 12 ở Hoàng Sa vô tới ngang Lý Sơn rồi !”, lúc 21h ngày 4-2, xóm Định Tân bên cửa biển Sa Kỳ như dậy sóng. Những người đàn bà chân không bén gót, chạy ngược chạy xuôi ra bến ngóng đợi người thân. Con tàu đưa các ngư dân xuyên Tết ở Hoàng Sa trở về đất liền.
Hơn nửa tháng, tàu ông Can kiếm được hơn 200 triệu . Ảnh: Văn Chương

> Trở thành công dân danh dự Hoàng Sa

Hơn nửa tháng, tàu ông Can kiếm được hơn 200 triệu.             Ảnh: Văn Chương.

TUỔI Ở HOÀNG SA

Nghe thông tin 8 ngư dân đi trên tàu QNg 90512 TS của ngư dân Nguyễn Can đưa các ngư dân vào đất liền, xóm chài nhỏ thuộc thôn Định Tân, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) trở nên nhộn nhịp. Hoàng Sa được mùa.

Tại bến cá Sa Kỳ, khoảng 60 phụ nữ đã chạy ra đứng chen chân để chờ con tàu từ ngoài biển chở lộc xuân vào đất liền.

Đầu năm 2012, tình hình thời tiết trên vùng biển Hoàng Sa diễn biến xấu, cả tỉnh Quảng Ngãi có 4 chiếc tàu mang theo 32 ngư dân ra Hoàng Sa ăn Tết. Bốn chiếc tàu đồng loạt xuất bến Sa Kỳ mở biển ra Hoàng Sa vào chiều 24 Tết và đến hôm qua mới trở về đất liền.

“Vô tới đâu rồi, mấy hầm cá, cỡ mấy tấn. Được hơn 200 triệu hả. Vậy là bạn mỗi người được trên chục triệu…!”, vợ các ngư dân liên tục điện thoại ra tàu hỏi thăm và dồn dập nhận được tin vui.

Một phụ nữ trẻ cho biết: “Cái hồi mới ra biển, ổng điện về liên tục, còn mấy bữa trong Tết mấy ổng cắt Icom luôn. Tôi hỏi, mấy ổng biểu nếu cứ gọi cho vợ con, nhớ nhà quá làm gì nổi”.

Trong màn đêm, con tàu chở đầy cá từ từ tiến vào bến. Một phụ nữ ôm con nhào ra sát bờ la to: “Ba về đó, vẫy đi con!”. Trong ánh mắt của chị ánh lên nỗi nhớ thương.

Trong những ngày Tết, chồng vắng nhà. Và cũng trong những ngày Tết, biển Hoàng Sa nổi sóng cồn cào. 18 ngày, đài phát thanh báo tin có 3 đợt áp thấp nhiệt đới, biển động cấp 7 cấp 8. Vậy mà các ngư dân không trở về bờ, vẫn gồng mình đánh bắt cá chuồn.

Thuyền trưởng Can cười tươi với rổ cá chuồn Hoàng Sa.

Bước chân lên bờ, anh Nguyễn Can, thuyền trưởng dày dạn sóng gió mỉm cười: “Nói thiệt với mấy chú, anh em chúng tôi làm gì có tuổi. 7 năm liên tục đón Tết ở Hoàng Sa, tuổi của anh em tôi là tuổi ở Hoàng Sa trời nước mênh mông”.

7 năm ăn Tết ở Hoàng Sa, anh Can và các ngư dân đã mê con cá chuồn. Giáp Tết, cá chuồn bay dày đặc ở biển Hoàng Sa. Bình thường, một giác lưới ngư dân kiếm được 2-3 tạ cá. Còn ngày xuân, đánh một phát lưới, kéo được cá tấn cá chuồn.

LẠY TIỀN NHÂN HOÀNG SA

Trên mạn thuyền, ngư dân Bùi Hùng, tuổi gần 50 kể: Tại Hoàng Sa, đón xuân là vài lon bia, một đĩa bánh và con gà luộc. Thuyền trưởng chuẩn bị hương hoa đầy đủ để cúng thần Nam Hải Đại Tướng quân, cúng các tiền nhân Hoàng Sa đã bỏ mạng trên biển cách đây hàng trăm năm khi phụng mệnh triều đình ra trấn giữ quần đảo.

Những năm trước, trong ngày xuân, ánh nắng ban mai phủ trên biển một màu vàng tuyệt đẹp báo hiệu xuân mới. Các ngư dân lục đục chui ra mạn thuyền ngóng về đất liền để nhớ đến mùa xuân.

Còn trong cái Tết này, bầu trời Hoàng Sa trĩu màu âm u, sóng gió quần đảo suốt ngày. Các ngư dân xóa tan sự u ám bằng chén rượu, đĩa bánh, tiếng cười và câu chuyện gia đình một năm đã qua.

Cả ngày lẫn đêm hì hục đánh lưới. Phiên lưới kết thúc lúc mờ tối. Tuy nhiên, các ngư dân không có giờ nghỉ ngơi.

Tắm rửa xong, anh em lại dàn hàng ngang trên be tàu để câu cá. Ngư dân Nguyễn Hoàng Danh kể: “Đánh lưới thì cực nhưng câu cá ở Hoàng Sa thì thú vị lắm. Anh em mỗi người mang theo mấy cuộn lưỡi. Nếu vướng chùm này thì thay thế chùm khác. Cá cắn câu to như bắp vế, giật lưỡi rầm rầm, anh em tôi thấy sướng tay”.

Đối với ngư dân đi nghề lưới chuồn, mỗi phiên biển, họ được chủ tàu chia cho phần bạn cộng với phần lưới. Riêng phần câu, các ngư dân được hưởng lợi tức riêng. Bình quân ngư dân đi bạn kiếm được vài triệu đồng tiền câu sau một phiên biển. Cuối năm vừa qua, có chiếc tàu neo trúng giữa luồng cá thu, cá ngừ, các ngư dân đi bạn kiếm được hàng chục triệu đồng từ tiền bán cá câu. Số tiền câu cao hơn cả tiền đi lưới.

Các ngư dân trên bờ nhảy xuống thuyền trầm trồ đống cá xuất khẩu mà đồng nghiệp câu được. Cá câu bỏ chung một hầm, nhưng mỗi ngư dân đánh dấu bằng cách chặt đuôi, chặt vi để khi lên bờ dễ nhận biết.

Vợ một ngư dân tâm sự: “Nghề nghiệp thì làm chớ em cũng xót lắm. Một ngày một đêm chỉ ngủ hơn 1 tiếng đồng hồ. Mỗi bận đi biển về, ông xã ốm như con cá chủa”.

Nhìn đống cá câu trị giá vài chục triệu đồng, một ngư dân chia sẻ: “Làm biển thì phải tín ngưỡng, mình ra đây mà được mấy Ông Hoàng Sa thương cảm thì thế nào cũng kiếm đủ cơm về nuôi vợ nuôi con”.

LỘC HOÀNG SA

Ra Hoàng Sa, các ngư dân phải trần mình với sóng gió, liên tục tránh né tàu kiểm ngư tuần tra. Các ngư dân cho biết, hiện nay máy bộ đàm của ngư dân lưới chuồn đều bị bắt sóng, chính vì vậy, khi ngư dân vừa nhấc máy alô thì lập tức tàu tuần tra xuất hiện xua đuổi.

Tuy nhiên các ngư dân vẫn khôn khéo tìm cách ứng xử để hoàn tất phiên biển trong ngày xuân. Mỗi giàn lưới đánh xuống biển Hoàng Sa kéo dài 16 km. Các ngư dân cho con tàu lắt léo chạy dọc theo giàn lưới. Nhìn những con tàu nhỏ kiên gan trên biển sóng, tàu tuần tra cũng phải bỏ đi.

Một ngư dân bước lên bờ nở nụ cười, giơ cao chùm cá khô, đặc sản của Hoàng Sa. Những năm ra khơi bám biển, mỗi ngư dân có một câu chuyện về ngày xuân ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, họ đều có một tình cảm và lời tâm sự chung nhất, đó là “Biển đảo của Việt Nam ta, chúng tôi ra đó đánh bắt và rất mong được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước”.

“Nhớ mùa cá chuồn nhảy dây ăn trứng, thương mẹ vai gầy một nắng hai sương…”. Người dân Quảng Ngãi phần lớn đều biết đến điệp khúc trong bài hát “Quảng Ngãi nhớ thương” của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn.

Ra Hoàng Sa đánh cá chuồn ngày Tết, các ngư dân gõ lộc cộc vào mạn thuyền và hát bài này trong giờ giao thừa. Thời khắc đó, họ giống như những kình ngư vươn vai trụ vững giữa phong ba.

Theo Báo giấy