Xung đột Nga - Ukraine ngày 18/11: 59 máy bay không người lái ồ ạt tấn công Nga lúc rạng sáng

TPO - Quân đội Nga cho biết 59 máy bay không người lái đã tấn công các mục tiêu ở nước này lúc rạng sáng 18/11.

Trong thông báo được đưa ra cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tất cả các máy bay không người lái đã bị phá hủy.

"Các hệ thống phòng không đã phá hủy 59 máy bay không người lái của Ukraine. Trong đó, có hai máy bay bị bắn hạ ở vùng Mátxcơva, 45 máy bay bị đánh chặn ở tỉnh Bryansk, sáu máy bay ở tỉnh Kursk, ba máy bay ở tỉnh Belgorod và ba máy bay ở tỉnh Tula", trích thông báo.

Thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin trước đó báo cáo, rằng đang có hai máy bay không người lái bay về phía thủ đô Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đề xuất đóng băng xung đột Ukraine

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự kiến sẽ đưa ra đề xuất đóng băng xung đột Ukraine theo tiền tuyến hiện tại, khi nhóm họp cùng các lãnh đạo G20 vào ngày 18/11.

Theo Bloomberg, ông Erdogan cũng dự kiến sẽ đề xuất Tổng thống Ukraine đồng ý hoãn các cuộc thảo luận về nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev trong ít nhất 10 năm.

Ngoài ra, đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ còn bao gồm việc thiết lập một khu phi quân sự ở Donbass, và triển khai lực lượng quốc tế tại đó.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là cách tiếp cận thực tế nhất, mặc dù họ thừa nhận rằng Ukraine sẽ khó đồng ý, Bloomberg kết luận.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Brazil vào ngày 18-19/11. Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov đại diện Nga tham dự sự kiện này.

Bloomberg: Triều Tiên có thể điều 100.000 binh sĩ đến hỗ trợ Nga

Triều Tiên có thể triển khai 100.000 binh sĩ để hỗ trợ lực lượng Nga nếu liên minh Mátxcơva - Bình Nhưỡng trở nên sâu sắc hơn, hãng Bloomberg cho biết, dẫn nguồn thạo tin.

Theo Bloomberg, nhận định trên được đưa ra dựa trên mối quan hệ thân thiết giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Các nguồn tin nhấn mạnh, rằng nếu tin đồn này trở thành hiện thực, thì lực lượng Triều Tiên có thể sẽ được điều động theo từng nhóm nhỏ, thay vì triển khai một lần duy nhất.

Đại sứ Ukraine tại Hàn Quốc - Dmytro Ponomarenko - tuyên bố hồi đầu tháng 11, rằng có tới 15.000 quân nhân Triều Tiên đang chiến đấu ở tỉnh Kursk của Nga, hoặc có thể là ở cả các khu vực phía đông Ukraine. Những nhóm quân này sẽ được luân chuyển vài tháng/lần.

Theo Bloomberg, các nước đồng minh sẽ thảo luận về vấn đề hợp tác giữa Nga và Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil tuần này.

Đây cũng sẽ là một nội dung trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chính quyền Đức cho biết, ông Scholz sẽ thúc giục lãnh đạo Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình với Nga và Triều Tiên nhằm ngăn chặn xung đột leo thang hơn nữa.

Ngày 10/11, tờ New York Times đưa tin 50.000 binh sĩ Nga và Triều Tiên đang chuẩn bị phát động một cuộc phản công quy mô lớn tại tỉnh Kursk của Nga.

Mới đây, tờ Financial Times tiết lộ Triều Tiên đã gửi cho Nga khoảng 50 khẩu pháo tự hành M1989 Koksan và 20 hệ thống rocket phóng loạt, một số trong đó đã được triển khai đến tỉnh Kursk.

Pháp, Anh 'bật đèn xanh' cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga

Pháp và Anh cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa SCALP/Storm Shadow do hai nước cung cấp, theo Le Figaro.

Tờ Le Figaro (Pháp) đưa tin, Pháp và Anh đã cho phép Ukraine tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa SCALP/Storm Shadow. Quyết định được Paris và London đưa ra sau khi Mỹ chấp thuận cho Ukraine triển khai tên lửa tầm xa ATACMS.

Ấn phẩm không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Được biết, trước đó, ngày 17/11, truyền thông phương Tây đồng loạt đưa tin, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa (ATACMS) để tấn công lãnh thổ Nga.

Quyết định này được cho là có liên quan đến việc các binh sĩ Triều Tiên đã triển khai ở tỉnh Kursk của Nga, từ đó "dẫn đến sự cần thiết" phải tăng cường năng lực phòng thủ cho quân đội Ukraine.

Nhật Bản tính cách đáp trả Nga và Triều Tiên

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng siết chặt trừng phạt Nga và Triều Tiên vì hợp tác quân sự ngày càng gần gũi giữa hai quốc gia, điều mà Tokyo cho rằng sẽ ảnh hưởng đến an ninh châu Á.

Theo bản tin của đài truyền hình NHK, Tokyo cho rằng hợp tác quân sự ngày càng gần gũi giữa Nga và Triều Tiên vi phạm luật quốc tế, sẽ tác động đến tình hình an ninh ở châu Âu và châu Á.

Đầu tháng này, Nga và Triều Tiên phê chuẩn Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện. Văn bản này được Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Kim Jong Un ký hồi tháng 6, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Nga.

Hiệp ước có điều khoản cho phép mỗi bên hỗ trợ quân sự cho bên kia trong trường hợp bị tấn công.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định quan hệ hợp tác chiến lược giữa Nga và Triều Tiên không phải điều khác thường, dù phương Tây cố biến việc này trở thành điều xấu xa.

Trong một diễn biến liên quan, Nhật Bản và Ukraine vừa ký thỏa thuận tăng cường chia sẻ thông tin an ninh mật, nhằm tăng cường hợp tác trong bối cảnh cả hai bên đều lo ngại về sự tham gia của quân đội Triều Tiên vào cuộc xung đột.

Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya thực hiện chuyến thăm bất ngờ đến Kiev vào cuối tuần qua để ký thỏa thuận. Ông Iwaya nói với các phóng viên, rằng thỏa thuận mới sẽ tạo khuôn khổ cho hai chính phủ chia sẻ thông tin tình báo.

Nhật Bản cùng Mỹ và các nước thành viên khác trong G7 hỗ trợ Ukraine trong mấy năm xung đột, đồng thời áp các biện pháp trừng phạt Nga như đóng băng tài sản và cấm xuất khẩu.

Theo Pravda, Tass