Các đơn vị trinh sát trên không đã sử dụng máy bay không người lái ZALA và phát hiện một vật thể phát ra sóng vô tuyến mạnh, được xác định là một trạm tác chiến điện tử của Ukraine.
Máy bay không người lái sau đó phóng hỏa lực về phía mục tiêu và ghi lại hình ảnh trạm tác chiến điện tử của Ukraine bị phá hủy.
Bộ này cho biết thêm, các đơn vị trinh sát đã theo dõi nhiều mục tiêu khác nhau bằng máy bay không người lái ZALA suốt ngày đêm. Các mục tiêu bao gồm xe bọc thép hạng nhẹ, xe tăng và pháo tự hành của đối phương.
Pháo binh Nga phá hủy kho đạn dược của Ukraine
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, các hệ thống pháo Msta-S thuộc cụm quân phía Tây nước này đã phá hủy một kho đạn dược của Ukraine nằm giữa các tòa nhà dân sự. Địa điểm chính xác của cuộc tấn công không được tiết lộ.
Việc kho đạn dược bị phá hủy đã khiến quân đội Ukraine không thể vận chuyển các loại vũ khí khác nhau đến các vị trí trên tiền tuyến.
Ukraine đang phản công lực lượng Nga ở một số mặt trận
Quân đội Ukraine đang cố gắng giành thế chủ động chiến thuật bằng cách tiến hành các cuộc phản công lực lượng Nga ở một số mặt trận, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết.
Theo ISW, các quan chức Mỹ và phương Tây từng dự đoán lực lượng Ukraine sẽ chủ yếu hoạt động ở thế phòng thủ trong vòng sáu tháng tới.
Tuy nhiên, trên thực tế, quân đội Ukraine đang tích cực tiến hành các cuộc phản công ở một số mặt trận phía đông. Cường độ và thời gian diễn ra các hoạt động phản công phụ thuộc đáng kể vào sự hỗ trợ của phương Tây.
Một quan chức cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, Ukraine cần nhận thêm viện trợ an ninh của phương Tây và triển khai thêm lực lượng ra mặt trận trước khi có thể tiến hành các hoạt động phản công mạnh mẽ. Một cuộc phản công quy mô lớn dự kiến sẽ chưa thể diễn ra trước năm 2025.
ISW đánh giá, lực lượng Nga khó có thể đạt được những tiến bộ đáng kể trong chiến dịch ở Ukraine. Chiến lược của lãnh đạo Nga dường như tập trung vào việc giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ một cách chậm rãi và ổn định, thay vì nhanh chóng.
Để giải quyết vấn đề nhân lực, Ukraine hiện đang thành lập một số lữ đoàn mới, và họ đang phụ thuộc phần lớn vào sự hỗ trợ an ninh của phương Tây để trang bị cho các lữ đoàn mới này.
Ba Lan cân nhắc việc đánh chặn tên lửa Nga trên không phận Ukraine
Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski tuyên bố, Warsaw đang xem xét đề xuất của Kiev về việc đánh chặn tên lửa Nga hướng tới lãnh thổ Ba Lan khi chúng vẫn đang ở trong không phận Ukraine.
Theo Pravda, đề xuất của Kiev được đưa ra trong thoả thuận phòng thủ chung giữa hai nước, được ký kết trong chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu tuần.
“Ở thời điểm này, đây mới chỉ là một ý tưởng. Thoả thuận giữa hai nước đã nêu rõ, là chúng tôi sẽ cân nhắc đề xuất này”, Ngoại trưởng Sikorski nói.
Ông nhấn mạnh, Ba Lan là “một quốc gia ở tiền tuyến”, và tên lửa Nga đã xâm phạm không phận nước này.
“Chúng tôi đang gặp tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu chỉ bắn hạ tên lửa khi chúng bay vào không phận của chúng tôi, thì các mảnh vỡ sẽ là mối đe dọa đối với công dân và tài sản của Ba Lan. Trong khi đó, phía Ukraine lại đang thuyết phục chúng tôi bắn hạ tên lửa trên không phận Ukraine khi chúng sắp xâm nhập không phận Ba Lan”, ông Sikorski chỉ ra. “Theo quan điểm của tôi, đó là cách tự vệ. Chúng tôi đang cân nhắc ý tưởng này”.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz cho biết, Warsaw sẽ tham khảo ý kiến của các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phải được họ chấp thuận trước khi cố gắng đánh chặn bất kỳ tên lửa nào của Nga.
Bộ trưởng Władysław Kosiniak-Kamysz nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TVN của Ba Lan: “Nếu một quyết định như vậy được đưa ra, thì đó chỉ có thể là quyết định của đồng minh, không phải là quyết định của cá nhân chúng tôi. Mỹ khá hoài nghi việc này, nên Ba Lan chắc chắn sẽ không tự mình đưa ra quyết định như vậy”.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng nói rằng, nước này sẽ thuyết phục các đồng minh NATO thảo luận về khả năng bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái của Nga trên lãnh thổ Ukraine.
Nga nêu điều kiện tham dự hội nghị hoà bình Ukraine lần hai
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga sẽ chỉ tham gia hội nghị thượng đỉnh hoà bình Ukraine lần hai nếu Mátxcơva biết rõ về nội dung của các cuộc đàm phán.
Hồi tháng 6, Thụy Sĩ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine với sự tham dự của hơn 90 phái đoàn. Nga không được mời đến sự kiện này. Một số nước, trong đó có Trung Quốc, đã từ chối tham gia với lý do vắng mặt Nga.
Hội nghị tập trung vào ba điểm trong công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bao gồm trao đổi tù binh, an ninh hạt nhân và an ninh lương thực.
Một số quốc gia tham dự hội nghị do Thụy Sĩ đăng cai đã từ chối ký vào tuyên bố chung cuối cùng, nhưng ông Zelensky vẫn coi đây là một thành công, và cho biết ông muốn tổ chức sự kiện thứ hai như vậy vào cuối năm nay. Ông cũng nói rằng Nga có thể cử một số đại diện đến các cuộc đàm phán trong tương lai.
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga vẫn sẵn sàng đối thoại với Ukraine, nhưng trước tiên Mátxcơva phải hiểu rõ về những gì sẽ được thảo luận trong hội nghị hòa bình lần hai.
Ông Peskov nói: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã nhấn mạnh việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương mở rộng sang lãnh thổ Ukraine là không thể chấp nhận được. Đó là một mối đe dọa đối với sự tồn tại và an ninh của chúng tôi”.
Theo ông Peskov, Nga sẽ không thảo luận về bất kỳ chi tiết cụ thể nào không liên quan đến vấn đề an ninh.
“Tổng thống Vladimir Putin giải thích rằng chúng tôi sẵn sàng thảo luận về tình hình một cách tổng thể, tất cả các khía cạnh liên quan đến an ninh ở châu Âu, an ninh của chúng tôi, và sự đảm bảo an ninh cho các quốc gia khác. Tất cả những điều này nên được thảo luận cùng lúc”, ông Peskov nói.
Nga đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ không tham gia bất kỳ hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế nào dựa trên công thức hòa bình của ông Zelensky, điều mà Mátxcơva cho là xa rời thực tế.
Công thức hòa bình - được Kiev giới thiệu lần đầu tiên vào cuối năm 2022 - bao gồm nhiều điều khoản, trong đó có yêu cầu Nga rút khỏi tất cả những vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền.