Theo báo cáo từ Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đã ảnh hưởng đến 35 khu vực của Nga trong năm 2024.
Một phần tư số cuộc tấn công nhắm vào khu vực Belgorod giáp biên giới Nga. Tổng cộng 1.896 máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở khu vực này.
Ngoài ra, Kiev còn sử dụng khinh khí cầu cỡ nhỏ, tên lửa chống hạm Neptune, tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất và tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp, bom Hammer, bệ phóng rocket đa nòng Uragan, Grad, Olkha và Vampire cũng như hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U trong các cuộc tấn công của mình.
Ukraine lần đầu tiên giành được lợi thế trước Nga về xe tăng
Lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát, lực lượng phòng vệ Ukraine được đánh giá là có lợi thế hơn đối phương trong việc triển khai xe tăng. Tuy nhiên, lợi thế này không được quan sát thấy trên toàn bộ tiền tuyến, mà chỉ ở một số khu vực nhất định trên chiến trường, Forbes đưa tin.
Theo tạp chí Mỹ, Ukraine có được lợi thế về xe tăng nhờ tích cực sử dụng máy bay không người lái, buộc xe tăng Nga phải rút lui hàng kilomet khỏi tiền tuyến và chỉ hoạt động từ các vị trí được che chắn, cách xa chiến trường.
Forbes lưu ý rằng những hạn chế này đã biến xe tăng Nga thành những khẩu pháo không chính xác, thay vì phương tiện tấn công như mục đích ban đầu của những người thiết kế chúng.
Hàn Quốc nói về thương vong của lực lượng Triều Tiên ở Nga
Số quân nhân Triều Tiên tử vong và bị thương trong xung đột Ukraine có khả năng đã vượt quá 3.000 người, bao gồm 300 người thiệt mạng và 2.700 người bị thương, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Hàn Quốc cho biết.
Theo NIS, phía Triều Tiên chịu thương vong nặng nề chủ yếu vì "thiếu hiểu biết về chiến tranh hiện đại".
Về việc Ukraine bắt giữ hai binh sĩ Triều Tiên bị thương ở Kursk (Nga), nghị sĩ Lee Seong-kweun nói rằng: "Những người này không muốn đến Hàn Quốc".
Trước đó, trong đoạn video được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố hôm 12/1, một binh sĩ Triều Tiên nói rằng anh ta muốn ở lại Ukraine.
NIS tin rằng hai binh sĩ này thuộc Tổng cục Trinh sát, một cơ quan tình báo quân sự quan trọng của Triều Tiên.
Đức điều lực lượng, khí tài đến Ba Lan để bảo vệ trung tâm hậu cần phục vụ Ukraine
Đức sẽ gửi hai hệ thống tên lửa phòng không Patriot và 200 binh sĩ đến Ba Lan để tăng cường phòng thủ cho trung tâm hậu cần chiến lược tại Rzeszow. Sân bay này chỉ cách biên giới Ukraine 100 km, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp viện trợ quân sự của phương Tây cho Kiev.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, kế hoạch triển khai các hệ thống Patriot đã được thảo luận từ tháng 11 năm ngoái, nhưng quyết định cuối cùng mới chỉ được đưa ra gần đây.
Dự kiến, các hệ thống phòng không Đức sẽ đến Rzeszow vào cuối tháng 1/2025 và được triển khai trên sân bay Rzeszow. Động thái này, như ông Pistorius nhấn mạnh, nhằm mục đích bảo vệ trung tâm hậu cần quan trọng khỏi các cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng từ Nga.
Ngoài Patriot, Đức cũng sẽ gửi một máy bay tiếp nhiên liệu đa năng Airbus A330 MRTT đến Ba Lan trong một năm. Nhiệm vụ chính của máy bay là tiếp nhiên liệu cho các chiến đấu cơ bảo vệ vùng trời trên sân bay Rzeszow. Đây là cơ sở chịu trách nhiệm trung chuyển 90% khoản viện trợ của phương Tây cho Ukraine.
Không chỉ Đức, mà nhiều đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng triển khai các hệ thống phòng không để bảo vệ sân bay Rzeszow. Trong đó, Na Uy đã triển khai hệ thống NASAMS và tạm thời điều các máy bay chiến đấu F-35 của mình đến tuần tra không phận. Vào mùa xuân, máy bay của Na Uy sẽ được thay thế bằng máy bay chiến đấu từ một quốc gia NATO khác.
Quyết định triển khai thêm lực lượng phòng không nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Rzeszow như một trung tâm hậu cần cho NATO để hỗ trợ Ukraine. Vị trí thuận tiện, gần biên giới và cơ sở hạ tầng phát triển đã biến sân bay này thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thiết bị quân sự và viện trợ nhân đạo.