Liên tiếp xảy ra chết người
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang ngày 23 và 24/4 Trung tâm đã tiếp nhận 3 trường hợp bệnh với các dấu hiệu: sốt, đau họng, khó nuốt, ăn uống hạn chế, có giả mạc họng và sưng hạch vùng cổ. Trong đó, bệnh nhân Zơrâm Mai Nhất Ba (7 tuổi, ở tại thôn Zrượt, xã Ch’ơm) đã tử vong với chẩn đoán bạch hầu. Cháu Ba phát bệnh 3 ngày với dấu hiệu sốt nhẹ, ho, nuốt đau. Ngày 23/4 bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, qua thăm khám phát hiện nổi hạch vùng cổ, có giả mạc hầu, họng nghi do bạch hầu, được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam, sau đó bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng. Đến ngày 30/4 thì bệnh nhân tử vong với chẩn đoán theo dõi bạch hầu họng, biến chứng viêm cơ tim nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Điều đáng nói, cháu bé đã được tiêm 3 mũi vắc xin Quinvaxem và 1 mũi DPT4 (phòng các bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván) khi 18 tháng tuổi.
Hai trường hợp Poloong Thị Đao và Poloong Thối (7 tuổi, cùng trú tại thôn ARoi, xã Gari) có các triệu chứng nghi do bạch hầu sau thời gian cách ly và điều trị kháng sinh Erythromycin tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, tình trạng hiện nay đã ổn định, khỏi bệnh và được xuất viện. Cả 2 bệnh nhân này tiền sử tiêm chủng đều không rõ.
Trước đó, tháng 1/2017 tại huyện Tây Giang, dịch bệnh bùng phát và dẫn đến 2 trường hợp tử vong do bạch hầu. Cụ thể 10/1, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã nhận được báo cáo về 2 trường hợp học sinh Trường THPT Tây Giang tử vong, nghi là dịch bạch hầu. Sau khi đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu gửi vào Viện Pasteur Nha Trang, kết quả cho thấy đây là bệnh bạch hầu. Đoàn đã phát hiện được 5 ca mắc/nghi mắc bệnh và tiến hành điều trị. Trong đó, 3 ca đã được điều trị ổn định. Hai trường hợp đã tử vong gồm: Bling Boong (thôn A Un, xã A Vương) và Zơrâm Sáu (thôn A Rầng 1, xã A Xan). Trường hợp em Bling Boong là ca đầu tiên, khởi bệnh từ ngày 24/12/2016. Do trùng với thi học kỳ I và dịp nghỉ Tết dương lịch, đến ngày 4/1 bệnh trở nặng và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tây Giang trong tình trạng khó thở. Sau đó, bệnh nhân được đặt nội khí quản để chuyển viện nhưng không may tử vong trên đường đi. Còn đối với em Zơrâm Sáu, khởi bệnh từ ngày 2/1, đến ngày 7/1 thì được chuyển xuống Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng), rồi Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, tử vong ngày 9/1. Đây là trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Bác sỹ Nguyễn Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, sau khi xảy ra ổ dịch bạch hầu tại Trường THPT huyện, ngành y tế địa phương đã tiêm chủng cho người dân và triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.
Dịch bệnh bạch hầu đã ổn (?)
Theo ông Nguyễn Huy Thông, những bệnh nhân vừa mới phát hiện có liên quan đến bạch hầu là những đối tượng có thể lọt vào nhóm chưa được tiêm chủng đầy đủ trong quá khứ. Theo ông Thông, trước đây và hiện tại để tiêm chủng đủ 100% người dân rất khó. Hiện, Trung tâm y tế huyện đang tiến hành tiêm vét, với mục tiêu và quan điểm phải tiêm đầy đủ 100%, không bỏ sót đối tượng nào. Đến ngày 8/5, toàn huyện có gần 11.000 người dân đã được tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu (đạt tỉ lệ 91,5%). Toàn huyện còn khoảng 1.000 người chưa được tiêm chủng do vậy, Trung tâm đã phân công cán bộ phối hợp với y tế thôn, bản rà soát để tiêm phòng hết số lượng này.
Ông Trần Văn Hoàn, Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, cho rằng hiện nay tình hình dịch bệnh bạch hầu tại huyện Tây Giang đến nay đã ổn vì qua 17 ngày không có ca bệnh mới nào phát sinh? Ngành y tế dự phòng đang triển khai tiêm vắc xin và cho uống vắc xin dự phòng tại hộ gia đình tại huyện Tây Giang, việc triển khai thực hiện tốt. Theo ông Hoàn, việc bùng phát dịch bệnh tại Tây Giang vừa qua cũng như tại huyện Phước Sơn vào năm 2015 là do việc tiêm chủng trước đây không đảm bảo.
Mầm bệnh phát sinh từ Lào?
Ông Trần Văn Hoàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam cho biết: đa phần các khu vực xảy ra bạch hầu đều nằm ở vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, công tác tiêm phòng chưa được triển khai đầy đủ. Huyện Tây Giang là vùng biên giới giáp ranh với nước bạn Lào, nơi có tỷ lệ tiêm phòng rất thấp. Tại Lào mỗi năm có trên 500 ca bệnh bạch hầu, nên khả năng mầm bệnh lây nhiễm từ Lào vào vùng biên giới Tây Giang rất cao. Tuy nhiên, việc phối hợp với phía Lào để tiêm phòng dịch theo ông Hoàn là rất khó bởi ở vùng biên giới nước bạn Lào tỷ lệ tiêm phòng rất thấp và hầu như người dân không tiêm phòng.