Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Công an cho biết, thời gian qua đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, trong đó đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều chủ trương, giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Theo Bộ Công an, năm 2019, phạm pháp hình sự trên toàn quốc giảm 7,39% so với cùng kỳ năm 2018, phát hiện, xử lý hơn 25 nghìn vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Tình hình cháy, nổ giảm 9,4% về số vụ, giảm 5,6% số người chết và 39,4%, số người bị thương.
Trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT đã xử lý trên 4 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền 3.848 tỷ đồng, trong đó xử lý trên 182 nghìn trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 884 trường hợp lái xe dương tính với ma túy; qua đó góp phần làm tai nạn giao thông giảm 6,64% số vụ, giảm 7,37% số người chết và 8,39%, số người bị thương...
Tuy nhiên, Bộ Công an cũng khẳng định, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm nghiêm trọng, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông và cháy nổ vẫn ở mức cao, gây lo lắng trong nhân dân.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Bộ Công an cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương: Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội, vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là Luật phòng, chống tác hại của rượu bia; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ. Triển khai các cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các hành vi, như: lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở giao thông; phương tiện chở quá trọng tải, chở quá số người quy định; vi phạm nồng độ cồn; chạy quá tốc độ; tránh, vượt sai quy định; xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;…
Hiện nay, Bộ Công an đang đề xuất Chính phủ xây dựng Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Ngành công an cũng mở cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc và kiểm soát tình hình, nhất là các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và ma túy; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ...