Trao đổi với Tiền Phong trước thềm Hội nghị Trung ương 6, ông Vũ Quốc Hùng bày tỏ mong đợi, Hội nghị có những quyết sách để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
“Tôi rất mong Trung ương quan tâm đến việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Cụ thể của việc chỉnh đốn Đảng là những đồng chí nào không xứng đáng, đồng chí nào vi phạm thì phải báo cho toàn dân biết, toàn Đảng biết. Tôi mong Hội nghị này có sự chuẩn bị kỹ để Trung ương nghiêm khắc tiếp tục làm trong sạch đội ngũ của mình, đáp ứng mong muốn của Đảng viên, của nhân dân. Mong muốn làm đến cùng, làm triệt để nhưng thận trọng để Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng càng trong sạch thì càng giữ vững lòng tin với dân, xứng đáng với niềm tin của dân”, ông Hùng nói.
Trước thềm Hội nghị Trung ương 6, ông Lê Thanh Vân, Uỷ viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, những năm qua đã có nhiều đợt cải cách về tổ chức, bộ máy nhưng kết quả đạt được rất hạn chế. Bộ máy nhìn chung vẫn cồng kềnh, chồng chéo, nặng quan liêu. Ngân sách chi cho bộ máy càng ngày càng lớn, không còn nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, nhiều cơ quan, nhiều đầu mối nhưng khi vụ việc xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ đông nhưng lại chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bức xúc trong người dân và dư luận.
Ông Lê Thanh Vân
“Thực trạng trên cho thấy, cần phải phải cải cách mạnh mẽ tổ chức bộ máy cũng như sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cho hiệu quả, hợp lý nhất, năng động nhất, hiệu quả nhất. Trong cải cách tổ chức bộ máy thì phải tính đến việc sáp nhập, nhất thể hoá các chức danh, tránh sự trùng lắp công việc hoặc đùn đẩy trách nhiệm…”, ông Vân đề nghị.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng băn khoăn việc bộ máy ngày càng phình to. “Có đổi mới tổ chức bộ máy thì mới tạo ra sự đồng bộ với sự nghiệp đổi mới kinh tế. Thực tế những năm qua, dù chúng ta đã đề ra nhiều giải pháp về xây dựng, tổ chức bộ máy nhưng việc thực hiện còn rất nhiều hạn chế. Nói tinh giảm nhưng kỳ thực bộ máy lại càng phình to ra”, ông Thưởng nhận định.
Ông Lê Quang Thưởng
Ông Thưởng cũng cho rằng, có tình trạng nể nang rồi kéo người nhà, người thân vào tổ chức, hệ thống. “Một số người vào bộ máy cốt để giữ ghế, có lương, có thu nhập ổn định, tuy không cao nhưng nhờ có vị trí mà họ có thêm thu nhập “ngoài luồng”, tiêu cực. Họ ăn tiền của công dân, tổ chức doanh nghiệp và ngồi lì ở đó”, ông Thường nói, đồng thời kiến nghị, việc đổi mới tổ chức bộ máy chính trị là việc làm hết sức cần thiết.
Ông Thưởng cũng cho rằng, Hội nghị T.Ư 6 cũng cần phải thảo luận và xử lý nghiêm minh những cán bộ dính dáng đến các vụ việc tiêu cực, nổi cộm mà dư luận đã phản ánh trong thời gian qua. Ông Thưởng lấy ví dụ trường hợp sai phạm của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. "Uỷ ban Kiểm tra T.Ư đã kết luận và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư xử lý thì tới đây phải xử lý dứt điểm. Tuy nhiên qua xử lý cán bộ vi phạm thì T.Ư cũng cần phải thảo luận để rút ra các bài học kinh nghiệm sâu sắc về công tác bố trí cán bộ, nhất là việc bố trí cán bộ chủ chốt trong tổ chức, bộ máy”, ông Thưởng nói.