PV: Thưa bà, năm nay đền Trần sẽ phát ấn vào giờ nào, số lượng ấn phát ra là bao nhiêu, có đủ so với nhu cầu không?
Bà Phạm Thị Oanh: Sau lễ khai ấn diễn ra vào giờ Tý đêm nay, 18.2 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch- PV), từ 5 giờ sáng mai, 19.2, nhà đền sẽ phát ấn cho du khách, người đi lễ tại nhà Giải vũ và Nhà trưng bày của cung Trùng Hoa. Thời gian phát ấn là hết tháng Giêng. Nhưng nếu sau đó, nếu du khách, người đi lễ có nhu cầu, vẫn có thể xin ấn ở đền Trần.
Về số lượng ấn, chúng tôi khẳng định là Ban tổ chức và nhà đền đã chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dự lễ đền Trần. Các năm trước, bình quân mỗi năm phát ra khoảng trên 10 vạn lá ấn và chưa năm nào để xảy ra tình trạng thiếu ấn.
PV: Năm nay Ban tổ chức phát ra bao nhiêu giấy mời dự lễ khai ấn? Đối tượng được mời là ai?
Bà Phạm Thị Oanh: Đến giờ này, cơ bản chúng tôi đã phát xong thẻ mời dự lễ khai ấn đền Trần năm nay. Số lượng ước tính khoảng hơn 1,1 nghìn thẻ. Khách mời là đại diện tỉnh, huyện, các ban ngành, đoàn thể, các phường xã thuộc thành phố. Ngoài ra, còn có một số lượng thẻ phục vụ khách mời ngoài tỉnh là lãnh đạo TW, các Bộ Ban ngành và các tỉnh bạn.
Chen lẫn, cướp lộc, ném tiền vẫn xuất hiện trong lễ khai ấn đền Trần
PV: Dư luận cho rằng phần lớn những đại biểu được mời dự lễ khai ấn đều là cán bộ, quan chức. Việc lắp camera giám sát và thông báo sẽ xử lý cán bộ vi phạm trong 2 kỳ lễ hội gần đây được đánh giá là một hoạt động có hiệu quả trong ngăn chặn nạn chen lấn, cướp lộc, ném tiền vào kiệu ấn. Tuy nhiên, chính Ban tổ chức thừa nhận là vẫn còn nhưng 2 năm qua, tại sao chưa thấy trường hợp nào bị xử lý, liệu có phải là “giơ cao, đánh khẽ”? Một số người am hiểu về đền Trần cho rằng Ban tổ chức lễ hội có danh sách khách mời, có camera ghi lại những trường hợp chen lấn, cướp lộc, ném tiền. Nếu trường hợp người vi phạm không phải là cán bộ, công chức của thành phố Nam Định thì Ban tổ chức có thể gửi danh sách đến cơ quan chủ quản để nhắc nhở, xử lý. Theo bà, có nên áp dụng phương án này để ngăn chặn triệt để các vấn nạn này không.
Bà Phạm Thị Oanh: Trước lễ hội hàng năm, chúng tôi đều quán triệt là sẽ xử lý, đánh giá thi đua với những cán bộ nào khi tham gia khai ấn có hành vi ném tiền, cướp lộc, hoặc có những hành vi phản cảm khác. Cũng xin thừa nhận đúng là vẫn có những hành vi thiếu văn hoá này trong lễ khai ấn. Tuy nhiên, ngay sau lễ khai ấn năm 2018, Ban tổ chức đã trích xuất camera, xác định không có công chức, viên chức, cán bộ do thành phố quản lý tham gia hành vi phản cảm này. Nếu không phải là đối tượng do thành phố quản lý thì không thể xử lý được.
Về vấn đề xử lý đối với cán bộ, công chức không phải do thành phố quản lý, thực ra chúng tôi cũng đã nghĩ đến phương án gửi danh sách kiến nghị đến các cơ quan chủ quản của người có hành vi phản cảm trong lễ khai ấn. Nhưng thực tế cho thấy, không ít đại biểu các ngành và tỉnh ngoài được mời đích danh nhưng bận việc, giao thẻ cho người khác thay mặt, thậm chí cho, tặng lại thẻ mời nên việc tra cứu rất khó khăn. Một lý do khác nữa là khác nữa là thẩm quyền của thành phố không đủ để điều tra khách mời, quy định pháp luật hiện nay chưa có điều khoản cụ thể quy định xử lý những hành vi này. Nếu Ban tổ chức lễ hội cố tình truy cứu sẽ vượt quá thẩm quyền, ảnh hưởng đến quan hệ của thành phố, tỉnh đối với các cơ quan được mời. Vì vậy, dù nghĩ ra nhưng chúng tôi chưa thể thực hiện được.
Xếp hàng lấy ấn đền Trần
Để hạn chế những hành vi phản cảm này, năm nay, ùng với tuyên truyền, nhắc nhở trước lễ hội, trong phương án an ninh, chúng tôi sẽ yêu cầu lực lượng an ninh và nhân viên nhà đền giám sát chặt chẽ quan khách, người dự lễ, ngay khi thấy có biểu hiện sẽ nhắc nhở, ngăn chặn ngay.
PV: Xin cảm ơn bà!