> Ngày sân khấu Việt Nam: Rằng vui thì thật là vui...
> Tô Hoài kể chuyện cổ tích
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dù bận rộn nhưng ngồi dự hết hội thảo (Bộ VH-TT&DL phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh và Hội Khoa học Lịch sử VN tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN).
Chủ tịch nước phát biểu: “Danh tướng Cao Lỗ tuy ở cách chúng ta hơn hai thiên niên kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, song cuộc đời và sự nghiệp luôn sống mãi trong tâm trí mỗi người Việt qua các thời đại với muôn vàn màu sắc lịch sử và huyền thoại”.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, danh tướng Cao Lỗ là vị anh hùng dân tộc, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đầu dựng nước, được nhân dân ta sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Hội thảo quy tụ 9 tham luận, trong đó 6 tham luận được trình bày đi sâu phân tích những cống hiến của Cao Lỗ, vai trò và phẩm giá của ông, đặc biệt những bài học lịch sử để lại cho đời sau.
Danh tướng Cao Lỗ phần nào bị phủ lên màn sương mù của huyền thoại của dân gian, nhưng truyền thuyết và ghi chép về ông tựu trung lại: Cao Lỗ là tướng trụ cột của nước Âu Lạc, gắn bó với nhiều sự kiện thời dựng nước như xây thành Cổ Loa, chiến đấu chống quân xâm lược do Triệu Đà cầm đầu.
TS Nguyễn Đức Truyến (Viện Xã hội học) trong tham luận “Biểu tượng Cao Lỗ vương trong huyền thoại và lịch sử” chia sẻ: “Biểu tượng Cao Lỗ là sự kết nối giữa tinh thần cộng đồng và tinh thần quốc gia dân tộc.
Chuyện nỏ thần không chỉ là vấn đề kỹ thuật quân sự, mà còn là hình tượng của khối đoàn kết toàn dân”.
TS Truyến dẫn chứng, theo truyền thuyết dân gian cũng như các bộ cổ sử Việt Nam và Trung Quốc ghi lại việc triều đại An Dương Vương sụp đổ luôn được gắn liền với hình ảnh nỏ thần, cũng như sự ra đi của Cao Lỗ khỏi thành Cổ Loa khi kẻ xấu hoành hành trong triều đình.
Sử sách ghi nhận cống hiến lớn lao của Cao Lỗ ngoài việc giúp An Dương Vương xây thành, còn gắn với thứ vũ khí đầy uy lực thời bấy giờ mà nhân dân thần thánh hóa thành nỏ thần.
“Ông cũng là tiêu biểu cho trí tuệ, tài năng, phẩm giá cao quý của người Việt. Đó là tấm lòng trung kiên, một lòng vì nước vì dân, rất cương trực, xuất phát từ trí tuệ của mình nhìn ra sự thật và hết sức lời khuyên can. Dù lời khuyên can đó bị từ chối nhưng khi đất nước lâm nguy, thành Cổ Loa bị vây hãm, ông tự nguyện trở về Loa thành chiến đấu và hy sinh”, GS Phan Huy Lê phát biểu tổng kết hội nghị.
Một nội dung nữa cũng được các nhà lịch sử quan tâm, đó là các bài học từ thời dựng nước Âu Lạc để lại. Trong phần điểm lại các tham luận, GS Phan Huy Lê nhắc nhiều tới sự mất cảnh giác của An Dương Vương - người đã rất sáng suốt trong cuộc kháng chiến chống quân Tần nhưng lại sa vào cạm bẫy của Triệu Đà: “Không nghi ngờ gì ông là người rất có tài, có công và trước sau như một muốn bảo vệ nước Âu Lạc, nhưng An Dương Vương vì quá chủ quan không nghe lời khuyên can sáng suốt của bầy tôi trung kiên Cao Lỗ, khiến vương triều Âu Lạc ly tán”.
Dẫu chưa thu thập hết được chứng cứ khoa học, nhưng các cuộc khảo cổ học, khai quật gần đây ngày càng khẳng định vai trò của danh tướng Cao Lỗ trong thời dựng nước.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Xét cho cùng huyền thoại chính là lịch sử được ghi lại qua nhãn quan và sự sáng tạo của dân gian”. Còn GS Phan Huy Lê nhấn mạnh: “Tất cả sự kiện và nhân vật lịch sử cổ đại đều bị bao phủ bởi màn sương huyền thoại như vậy. Chúng ta nên coi đó là chuyện tất yếu và cũng không nên vì bức màn bí ẩn của truyền thuyết mà mất niềm tin về sự thật lịch sử lúc bấy giờ”.
Ông khuyến nghị các nhà quản lý văn hóa Hà Nội, Bắc Ninh tiếp thu ý kiến của Chủ tịch nước, để nghiên cứu và có kế hoạch bảo tồn phát huy cao nhất giá trị di sản, trong đó không chỉ tu sửa di sản vật thể, mà cái lắng đọng sâu sắc hơn thế nữa: Coi Cao Lỗ là nhân vật lịch sử, biểu tượng văn hóa dân tộc.