Xoáy nước nhân tạo khổng lồ nuốt chửng cả hòn đảo

Xoáy nước hình thành do một sơ suất nhỏ của con người nuốt chửng cả hòn đảo rộng gần 300.000 m2, hai giàn khoan và nhiều sà lan, đồng thời đảo dòng con kênh dẫn ra vịnh Mexico.

Theo LosApos.com, năm 1980, hồ Peigneur là một vùng nước bình thường nằm gần vịnh Mexico và New Iberia, Louisiana, Mỹ. Hồ nước ngọt này bao phủ diện tích 5,3 km2 và chỉ sâu 2,1 m, bên dưới hồ là một mỏ muối. Hòn đảo nhỏ Jefferson nằm ở giữa hồ có một công viên tươi đẹp.

Ngày nay, hồ Peigneur trở thành hồ nước mặn sâu tới gần 400 m, nơi từng chịu sự càn quét của xoáy nước nhân tạo lớn nhất ra đời do một tai nạn. Ngày 20/11/1980, trong khi một nhóm công nhân đang thăm dò dầu bên dưới lòng hồ Peigneur, mũi khoan của họ bất ngờ mắc kẹt ở độ sâu khoảng 375 m bên dưới mặt bùn và họ không thể rút mũi khoan. Sau nỗ lực để rút mũi khoan lên, các công nhân nghe thấy một loạt tiếng nổ lớn, tiếp đó giàn khoan nghiêng về một bên.

Kết luận có điều bất thường xảy ra, nhóm công nhân cắt dây buộc sà lan, vội vã rút khỏi giàn khoan và chuyển vào bờ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi rời bỏ giàn khoan trị giá 5 tỷ USD, họ kinh ngạc chứng kiến cảnh giàn khoan và cần trục khổng lồ đổ nhào và biến mất dưới mặt hồ vốn chỉ sâu hơn hai mét. Rất nhanh sau đó, nước quanh vị trí giàn khoan bắt đầu xoay tròn. Lúc đầu, vòng nước xoay chậm nhưng tốc độ của nó nhanh chóng gia tăng cho đến khi trở thành một xoáy nước có đường kính hơn 400 m với tâm điểm ở ngay trên khu vực hạ mũi khoan.

Hồ Peigneur ngày nay. Ảnh: LosApos.

Trong lúc xoáy nước hình thành trên mặt hồ, một công nhân điện làm việc ở mỏ muối bên dưới nghe thấy tiếng động lớn kỳ lạ tiến đến gần. Người này phát hiện nguồn phát ra âm thanh là do các thùng nhiên liệu va đập vào nhau khi chúng bị một dòng nước bùn cuốn đi. Người công nhân nhanh chóng phát tín hiệu sơ tán. Khoảng 50 thợ mỏ đang làm việc ở độ sâu 457 m bên dưới mặt nước phát hiện tín hiệu sơ tán và bắt đầu chạy tới chỗ thang máy dẫn lên mặt đất. Dù chiếc thang máy chậm chạp chỉ chở được 8 người một lúc, tất cả thợ mỏ đều may mắn thoát chết khi hầm mỏ dưới chân họ bị ngập nước.

Trên thực tế, vòm mỏ muối bị mũi khoan xuyên thủng. Texaco, công ty tiến hành thăm dò dầu, đã cân nhắc vị trí mỏ muối và lên kế hoạch cẩn thận, nhưng do sai lầm trong khâu tính toán, địa điểm khoan nằm ngay trên một trong những mảng phía trên của mỏ muối. Khi tràn vào qua lỗ thủng lúc đầu chỉ rộng 36 cm, nước nhanh chóng hòa tan muối, khiến lỗ hổng mở rộng chỉ sau vài giây. Nước tràn vào mỏ cũng hòa tan những cột muối khổng lồ giữ vai trò chống đỡ trần khu mỏ và mỏ muối sụp đổ.

Cùng lúc ở trên bề mặt, lực hút dữ dội của xoáy nước cũng hủy diệt mọi thứ xung quanh. Nó nuốt chửng một giàn khoan dầu khác ở gần đó, cùng với một bến tàu, hơn 280.000 m2 đất từ đảo Jefferson, nhiều xe tải, cây cối, công trình và bãi đỗ xe. Lực hút này mạnh tới mức làm đổi dòng con kênh dài 19 km dẫn từ hồ đến vịnh Mexico, kéo 11 sà lan đang di chuyển dọc kênh xuống nước và chôn vùi chúng bên dưới mỏ muối.

Chỉ sau ba tiếng, hơn 13 tỷ lít nước của hồ bị hút cạn. Nước từ vịnh Mexico đổ vào hồ qua kênh đào, tạo thành một thác nước cao 46 m chảy xuống miệng hố và lấp đầy hồ. Khi miệng hố đầy nước sau hai ngày, 9 trong số những sà lan bị nhấn chìm nổi lên mặt nước, còn giàn khoan vĩnh viễn bị vùi lấp dưới mỏ muối.

Dù xoáy nước gây ra thiệt hại khổng lồ về vật chất, không có thương vong nghiêm trọng trong thảm họa này. Trong vòng hai ngày, hồ nước ngọt sâu hai mét được thay thế bằng hồ nước mặn sâu 400 m. Hệ sinh thái của hồ cũng thay đổi với sự xuất hiện của nhiều loài thực vật và cá mới.

Theo Theo VnExpress