Trả lời HĐXX, bà Hứa Châu (nguyên giám đốc Cty TNHH Lâm Kim Ngọc - bị truy tố về tội “buôn lậu”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) phản cung cho rằng, bị cáo không thông thạo chữ (bà Châu học lớp 2/12), nên trong quá trình điều tra, cán bộ “kêu bị cáo ký gì thì bị cáo ký vào đó”. Bà Châu phủ nhận quan hệ với ông Lê Dũng (nguyên giám đốc Cty CP TPCN Sài Gòn) và cho rằng không bàn bạc điều gì với ông Lê Dũng.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Mẫn (nghề giao nhận xuất nhập khẩu tự do) kêu oan, cho rằng mình bị ép cung. “Khi điều tra viên lấy lời khai, bị cáo nói ra tòa sẽ khai hết, biên bản sao thì bị cáo ký vậy” - bị cáo Mẫn trả lời. Chủ tọa hỏi bây giờ bị cáo khai gì? Bị cáo Mẫn nói không nhớ. VKS trưng các bút lục, bản khai của Mẫn với Cơ quan điều tra thì bị cáo Mẫn nói rằng mình bị ép ký.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng (nguyên công chức Cục Hải quan tỉnh An Giang) nói vụ án này là lãnh đạo Chi cục Hải quan câu kết với Cty CP TPCN Sài Gòn kê khống hồ sơ, rồi rút tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. “Có hàng đâu mà kiểm hóa, chỉ có ký khống hồ sơ thôi, đây mới thật sự là bản chất vụ án” - ông Dũng khai.
Bị cáo Thái Thanh Nguồn (nguyên Chi cục phó Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình) phản bác cáo trạng khi nói được ký trước một số giấy tờ cho doanh nghiệp. “Nếu sau 15 ngày mà doanh nghiệp không thực hiện xuất khẩu hàng hóa thì thôi, không thể quy kết bị cáo ký khống” - Nguồn nói. Hầu hết các bị cáo khi trả lời HĐXX đều phản cung, nêu lý do là trong lúc bị tạm giam, tinh thần bấn loạn nên “khai để sớm kết thúc hồ sơ để tại ngoại” và “bị ép cung”.
Cục Thuế TPHCM với tư cách là nguyên đơn dân sự đã đề nghị Tòa tuyên bồi hoàn thiệt hại là 92 tỷ đồng. Chủ tọa giải thích phiên tòa này chỉ xét xử trong phạm vi sai phạm của số tiền 80 tỷ đồng, khoản chênh lệch 12 tỷ đồng đã tách ra trong vụ án khác.
Nguyễn Văn Dũng (nguyên công chức Cục Hải quan tỉnh An Giang): “Có hàng đâu mà kiểm hóa, chỉ có ký khống hồ sơ thôi, đây mới thật sự là bản chất vụ án”.