Theo BS.CKI. Lê Thị Hoài Thanh, chuyên khoa Hô Hấp - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi hiện là loại ung thư hay gặp nhất trên thế giới, với số ca được chẩn đoán trong năm 2012 là 1.825.000 ca, chiếm 13% trong tổng số các ung thư. Trong số đó, ở nam giới, số ung thư phổi phổi chiếm 16,7%, tức vị trí số 1; còn ở nữ giới là 8,8%, đứng ở vị trí thứ 3.
Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp hàng thứ nhất trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới. Theo thống kê, đến năm 2013, tỷ lệ người mắc bệnh đã tăng gấp 4 lần, lên con số 20.000 người mắc mới mỗi năm, trong đó có tới 17.000 người tử vong. Nếu ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng được phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi rất cao. Do vậy, việc phát hiện sớm ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng.
Dưới đây là một số thông tin cần biết về ung thư phổi và các xét nghiệm giúp phát hiện sớm ung thư phổi do BS.CKI. Lê Thị Hoài Thanh.
Các loại ung thư phổi
Ung thư phổi chia thành 2 loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
Ung thư phổi tế bào nhỏ là loại ung thư phát triển nhanh, nó có thể lây lan nhanh đến các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư phổi tế bào nhỏ thường xuất hiện ở người sử dụng thuốc lá và hiếm thấy ở người không hút thuốc.
Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ phát triển chậm hơn và phổ biến hơn, đây là loại ung thư ít xâm lấn hơn loại trên.
Trong các bệnh ung thư phổi có đến 85% những người ung thư phổi thuộc loại ung thư không tế bào nhỏ. Loại ung thư này nếu phát hiện sớm, phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị có thể chữa khỏi căn bệnh này.
*Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ, có 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 – u nhỏ dưới 5 cm chỉ ở một bên phổi, chưa lan ra ngoài phổi và hạch bạch huyết
Giai đoạn 2 – ung thư đã lan ra hạch bạch huyết cùng bên với tổn thương hoặc u đã có kích thước từ 5 đến 7 cm
Giai đoạn 3 – ung thư đã lan ra hạch bạch huyết ở trung thất (giữa hai lá phổi) hoặc kích thước u trên 7 cm
Giai đoạn 4 – ung thư đã lan ra các cơ quan khác ngoài nhu mô phổi như não, xương, gan, màng phổi gây tích tụ dịch trong lồng ngực (tràn dịch màng phổi).
*Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, chỉ có 2 giai đoạn:
Giai đoạn bệnh khu trú – khi u chỉ khu trú ở một bên phổi
Giai đoạn bệnh lan tràn – khi ung thư đã lan sang phổi bên đối diện hoặc các cơ quan khác như não, gan, xương…
Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi
Đối với ung thư phổi, giai đoạn sớm các triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Khi bệnh ung thư phát triển, thường có các triệu chứng sau:
· Các triệu chứng hô hấp:
o Ho khan là triệu chứng hay gặp nhất
o Ho khạc đờm hoặc lẫn máu
o Khó thở
o Hội chứng viêm phế quản phổi cấp hoặc bán cấp
· Các triệu chứng do chèn ép, xâm lấn: khi xuất hiện các triệu chứng này thì UTP thường đã ở giai đoạn muộn.
o Đau ngực
o Nói khàn
o Nuốt nghẹn
o Nấc
o Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên
o Hội chứng 3 giảm do TDMP
· Các triệu chứng di căn xa
o Di căn hạch: sờ thấy hạch vùng nách, cổ
o Di căn não: đau đầu, buồn nôn, nôn, đôi khi bệnh nhân xuất hiện liệt.
o Di căn xương: đau xương ở vị trí di căn, gãy xương bệnh lý.
o Di căn gan: đau hạ sườn phải, sờ thấy gan to, u vùng hạ sườn phải
Di căn da vùng ngực: thấy nốt di căn dưới da vùng ngực.
Các xét nghiệm cần thiết trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi
Chụp X-quang phổi:
Có thể phát hiện u phổi, nhưng với những tổn thương nhỏ đôi khi không thấy. Kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn), kể cả những tổn thương nhỏ, ngoài ra có thể thấy hạch trung thất, tổn thương di căn phổi, màng phổi. Ngoài ra, CLVT còn là phương tiện giúp định hướng trong sinh thiết xuyên thành ngực để chẩn đoán xác định mô bệnh học UTP.
Soi phế quản:
Qua soi phế quản ta có thể quan sát được khối u xuất phát từ phế quản và thực hiện được các kĩ thuật để lấy bệnh phẩm làm tế bào học, mô bệnh học như sinh thiết phế quản, chải rửa phế quản, sinh thiết phế quản xuyên thành ở vùng tương ứng với khối u.
Xét nghiệm mô bệnh học: giúp chẩn đoán xác định thông qua bệnh phẩm được lấy từ nội soi phế quản, hoặc qua sinh thiết xuyên thành ngực dưới dưới dẫn cắt lớp vi tính
Một số xét nghiệm đánh giá tình trạng di căn:
PET/CT: giúp đánh giá chính xác các tổn thương di căn, từ đó chẩn đoán đúng giai đoạn bệnh
Xạ hình xương: phát hiện các tổn thương di căn xương
Chụp cộng hưởng từ sọ não: phát hiện di căn não
Siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính bụng: phát hiện ổ di căn gan, thượng thận…
Xét nghiệm khác
Xét nghiệm máu chỉ điểm khối u như CEA, SCC, Cyfra 21-1
Kỹ thuật sinh học phân tử như FISH, PCR, giải trình tự gen, là cơ sở để điều trị liệu pháp trúng đích
Chẩn đoán xác định bệnh dựa trên triệu chứng lâm sàng phối hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng (chụp X quang, cắt lớp vi tính, nội soi phế quản), kết hợp với kết quả mô bệnh học, tế bào học các bệnh phẩm lấy qua nội soi phế quản, sinh thiết, chọc hút qua thành ngực, dịch màng phổi, hạch thượng đòn... Đây là tiêu chuẩn vàng xác đinh ung thư phổi.
CYFRA 21-1: Xét nghiệm cho biết dấu ấn của ung thư phổi tế bào không nhỏ
Nhiều người mắc ung thư phổi hầu như không biểu hiện dấu hiệu và triệu chứng trong quá trình tiến triển. Vì vậy, việc chẩn đoán ung thư cần phải dựa vào các dấu ấn ung thư, các xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư phổi như: CYFRA 21-1 , SCC, CEA, CYFRA, NSE, ProGRP… nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư tiềm ẩn cơ thể.
Dấu ấn ung thư hay còn gọi là dấu ấn khối u là những chất hóa học của cơ thể, thường là các protein, được sản xuất bởi bản thân các tế bào ung thư hoặc đôi khi do cơ thể sản xuất ra để đáp ứng với sự phát triển ung thư. Do một số các dấu ấn ung thư có thể được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm của cơ thể như máu và các mô nên chúng có thể được sử dụng cùng với các xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng khác để phát hiện và chẩn đoán một số loại ung thư, tiên lượng, theo dõi đáp ứng điều trị và phát hiện tái phát.
Có khoảng hơn 20 dấu ấn ung thư có thể được thực hiện để biết bệnh sớm. Việc tầm kiểm soát ung thư phổi nói riêng và các loại ung thư nói chung cần được thực hiện định kỳ giúp phát hiện các căn bệnh ung thư từ giai đoạn mầm mống, khi bệnh chưa có biểu hiện hay triệu chứng nghiêm trọng, hoặc khi khối u còn rất nhỏ, chưa phát triển hay di căn ra các mô xung quanh.
Tầm kiểm soát ung thư định kỳ được khuyến cáo 6 tháng hoặc 1 năm/ lần. Riêng đối với người có nguy cơ cao (gia đình có người mắc ung thư, độ tuổi, nghiện thuốc lá…) cần tầm kiểm soát có thời gian ngắn hơn. Các xét nghiệm cần làm để phát hiện ung thư phổi là CYFRA 21-1 , SCC, CEA, CYFRA, NSE, ProGRP...