Xét GS,PGS 2020: Chọn thế nào khi thầy có thành tích nghiên cứu bằng 0?

TPO - Làm thế nào để ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư không bị trượt oan, làm thế nào để thẩm định được đúng chất lượng bài báo khoa học? 

Thời gian ứng viên xét công nhận giáo sư, phó giáo sư (GS,PGS) năm 2020 bắt đầu. Gần đây, điều kiện bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín được dư luận đặc biệt quan tâm. 

Chuyện không mới nhưng bài học nhãn tiền trong lần xét công nhận năm 2019 vẫn còn nguyên giá trị.

Chọn thế nào khi các thầy có thành tích nghiên cứu bằng 0?

Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) vừa có văn bản gửi HĐGS ngành/liên ngành (HĐGS ngành) về việc đề xuất danh mục tạp chí khoa học và nhà xuất bản uy tín năm 2020.

Ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng HĐGSNN cho biết, các HĐGS ngành cần tham khảo các nguồn thông tin hữu ích từ quy định của quỹ Nafosted như danh mục tạp chí quốc tế có quy tín và tạp chí ISI (tạp chí khoa học nổi tiếng trên thế giới do một tổ chức của Mỹ xếp hạng) trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật; danh mục tạp chí quốc tế và quốc gia có uy tín trong lĩnh vực khoa học xã hội và quốc gia.

Ngoài ra, các HĐGS ngành có thể tổ chức thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi các nguồn thông tin tham khảo khác, đề xuất danh mục theo từng ngành, chuyên ngành và khung điểm được tính đối với các tạp chí khoa học và nhà xuất bản uy tín năm 2020.

Tuy nhiên, thực tế, năm 2019, điều kiện xét công nhận ứng viên GS, PGS đã được áp dụng theo Quyết mới của Chính phủ (Quyết định 37), nhưng chuyện bài báo khoa học vẫn là vấn đề tranh cãi gay gắt nhất. Giới học giả đặt câu hỏi, chính những người cầm cân nảy mực trong HĐGS ngành (hay còn gọi là các thầy) không có bài báo khoa học thì liệu có đủ khả năng để thẩm định tạp chí uy tín và tạp chí khoa học rởm?

Một GS xin được giấu tên cho hay: "Qua dữ liệu được công bố công khai của ISI và Scopus, có thể thành tích khoa học của các thành viên HĐGSNN năm 2019 rất yếu, gần như không đủ năng lực để chấm/đánh giá người khác. Đúng ra, do có xuất phát điểm thấp, dù chúng ta đã hội nhập trên 30 năm, nhưng thành viên của HĐGSNN cũng nên có chỉ số trích dẫn tối thiểu (mức sàn) là 200, chỉ số H-index tối thiểu là 5, công bố trên ISI/Scopus và các nhà xuất bản có uy tín quốc tế trong 5 năm liền kề tới thiểu là 3;

Với các thành viên HĐGS ngành nên có trích dẫn tối thiểu là 100, chỉ số H-index tối thiểu là 3 và công bố trong 5 năm gần đây tối thiểu là 0\1…Nhưng thực tế, không đạt được như vậy".

Theo tinh thần Nghị quyết 01 của phiên họp lần thứ nhất của HĐGSNN nhiệm kỳ 2018-2023, Văn phòng HĐGSNN có nhiệm vụ rà soát các điều kiện, quy trình đánh giá, kiểm tra các hồ sơ, giám sát, kịp thời phát hiện những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

Còn HĐGS cơ sở có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ ứng về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo, bằng cấp, thâm niên đào tạo và kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của ứng viên; kiểm tra tính pháp lý của các minh chứng và xác định số lượng công trình khoa học kê khai của ứng viên.

"Nhưng hình như việc thẩm định, rà soát này vẫn còn có sai sót. Bằng chứng là qua cơ sở dữ liệu trên Scopus của 73 vị tân GS năm 2019, thấy có khoảng trên chục người “có vấn đề” liên quan đến bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế. Không biết Thường trực HĐGSNN có biết không”, vị GS này đặt câu hỏi.

Những bất cập được vị GS đưa ra ở trên không phải không có lý khi trước đó như Tiền Phong đã khảo sát và thông tin, có nhiều vị là chủ tịch hay thành viên các HĐGS ngành có thành tích nghiên cứu khoa học công bố quốc tế bằng 0.

Các thầy mắt phải tinh, tâm phải sáng

Nói về vấn đề xét công nhận GS,PGS năm qua, GS.TS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đánh giá cao Quyết định 37 của Chính phủ đã “cởi trói” nhiều nội dung. Tuy vậy khó có thể tránh khỏi các ý kiến trong dư luận về việc vẫn còn những người chưa xứng đáng ngồi trong các HĐ, một số ứng viên GS xuất sắc hơn các GS được phong trước đó.

"Chúng ta cần tiếp tục thay đổi tư duy. Điều quan trọng nhất đối với một GS phải là các nhà chuyên môn xuất sắc nhất giúp đảm đương trọng trách dẫn dắt khoa học Việt Nam tới hội nhập quốc tế. Nên công nhận họ đạt tiêu chuẩn ở độ tuổi sung sức nhất để có thể phát huy hiệu quả vai trò đầu tàu của mình. Độ tuổi 40-50 được coi là chín muồi của nhà khoa học, các GS nên được phong phần lớn ở tuổi này. Đối với các cá nhân nổi trội thậm chí có thể được phong sớm hơn, ở tuổi 30, tương tự như quốc tế", ông Chính phân tích.

Theo GS. Phạm Đức Chính, Quyết định mới của Chính phủ đã đủ linh hoạt để cho phép các HĐGS thực hiện các lựa chọn nói trên. Đồng thời cũng cho phép chỉnh lý nhân sự các HĐ hằng năm, đặc biệt là các HĐ ngành. "Chúng ta cần các HĐ thực sự có năng lực, uy tín chuyên môn, công tâm, và tinh thần đổi mới, hội nhập để thực hiện trọng trách vì tiến bộ của khoa học và giáo dục Việt Nam.

Tôi cho rằng HĐGSNN không nên và không cần xem xét đánh giá các cá nhân cụ thể. HĐ ngành cần là nơi đánh giá chính xác nhất năng lực các GS. Nên học theo cách làm của quỹ Nafosted” – GS. Chính nói.

Còn GS. Phùng Đắc Cam cho rằng, để công nhận những tạp chí khoa học nào đạt chất lượng không phải là việc khó. Trên thế giới, đều có quy chuẩn chung về việc này như mỗi cuốn tạp chí chỉ có một bài tổng quan, có các chỉ số ISBN, H-index …

Các thầy chỉ cần cầm cuốn tạp chí là có thể biết đạt chất lượng hay không. Nhưng điều quan trọng nhất, theo GS. Phùng Đắc Cam đó là những người cầm cân nảy mực đó mắt phải tinh, tâm phải sáng. Tạp chí khoa học rởm ở nước ngoài kể cả từ Mỹ rất nhiều.

Nhưng nếu tâm không sáng thì chuyện ứng viên không xứng đáng vẫn “lọt” là điều khó tránh khỏi. GS. Phùng Đắc Cam cho biết, hiện nay, xét công nhận GS, PGS có 3 màng lọc. Trong đó, hội đồng cơ sở được ví như cái sàng, HĐGS ngành được coi như cái dần, HĐGSNN là cái dây. Thế nhưng theo đánh giá của GS. Phùng Đắc Cam thì HĐGS cơ sở lại là màng lọc tốt nhất. Còn HĐGSNN lại là màng lọc yếu nhất.