Chỉ thị nêu rõ: Thu hút đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, không cho phép đầu tư các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ lạc hậu có nguy cơ ô nhiễm cao. Các bộ ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ từ khâu xét duyệt, thẩm định, phê duyệt đến triển khai thực hiện và vận hành. Chủ đầu tư, cơ quan quyết định phê duyệt đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường của dự án. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện vấn đề môi trường trên địa bàn.
Chỉ thị nêu các giải pháp cấp bách để bảo vệ môi trường trong đó có hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, hoàn thành vào cuối 2017.
Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường và chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm. Nhiệm vụ cụ thể là thanh tra các cơ sở xả thải trên 200m3/ngày đêm trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, nơi nhạy cảm về môi trường. Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương trong 2016 để thực hiện từ 2017.