> Khó thực hiện giảm tải bệnh viện
Khả năng rất có thể xảy ra sẽ là cho tiêu biến đề án này một cách nhẹ nhàng. Theo đó, đề án từng được truyên truyền rầm rộ này có thể vẫn giữ cái mũ cũ nhưng sẽ thay đổi hẳn nội dung và cách thức thực hiện; tiếp đó, có thể cho nó nhập vào một đề án khác cũng đang thực hiện song song, đề án xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, với mục tiêu chung là giảm tình trạng quá tải bệnh viện.
Rầm rộ lên đường, lặng lẽ trở về
Phần nào thể hiện kỳ vọng vào đề án tăng cường bác sỹ từ tuyến trên về các tuyến cơ sở mà ngành y tế quen gọi tắt là Đề án 1816 ban hành từ giữa năm 2008, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám-Chữa bệnh, cho hay các cuộc họp tổng kết được tổ chức gần như thường xuyên, hằng tháng, hằng quý. Ban chỉ đạo đề án họp hằng tuần từ rất sớm mỗi sáng thứ sáu, lúc 6h45.
Ba năm qua, việc đưa bác sỹ về cơ sở nhiều lần nhiều nơi đều có lễ tiến đưa. Bác sỹ từ trung ương về tỉnh, từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã. Tổng cộng trên 1,8 vạn bác sỹ đã đi luân phiên, khám và chữa bệnh cho 5,5 triệu lượt bệnh nhân.
Như PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói, mục tiêu của đề án đã đáp ứng trúng mong mỏi và nhu cầu của xã hội, làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến không phù hợp của các bệnh viện tuyến dưới.
Nhưng bên cạnh các thành tích dễ thấy mà hầu như báo cáo nào tại Hội thảo “Tăng cường Thực hiện Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816, Góp phần Giảm tải Bệnh viện” tổ chức ở Hà Nội ngày 30-5 cũng nhấn mạnh, mặt chưa được của nó là gì?
Đích thân Bộ trưởng Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, đã ngắt giữa chừng bài trình bày của giám đốc một số bệnh viện, đề nghị nói rõ mặt chưa được của việc đưa hoặc tiếp nhận bác sỹ luận phiên từ tuyến trên về bệnh viện cơ sở là gì.
Báo cáo tổng kết dài 20 của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, sau khi liệt kê các thành tích không thể phủ nhận, cũng phải đề cập những cái gọi là vấn đề.
“Kết quả đạt được rất to lớn, rất đáng tự hào”, ông Khuê nói. “Nhưng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Tiến, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận hiệu quả thế nào. Có đối phó không? Có hình thức không? Phải nói thẳng với các đồng chí là có.
Hình thức là có. Đối phó là có. Nhiều nơi các đồng chí cử đi các điều dưỡng trình độ rất kém. Có trường hợp các đồng chí cử bác sỹ trình độ rất kém về tuyến dưới. Có bác sỹ về tuyến dưới đem cả người nhà đi nghỉ. Rồi yêu cầu đưa đi chơi.
Rồi xin giấy chứng nhận đủ thời gian luân phiên ba tháng. Rồi về. Có không? Có. Có bác sỹ xuống dưới trình độ mổ còn yếu hơn cả tuyến dưới. Có cả chuyện không thích nhau, không muốn tiếp nhận bác sỹ giỏi. Có không? Có”.
“Rồi trang thiết bị. Nhiều nơi cứ xuống, cứ đi cho được việc dù không có hoặc không đủ thiết bị. Có nơi mang thiết bị xuống rồi mang về. Không hiệu quả. Đồng chí Tiến tuần nào họp cũng nhắc tôi xem hiệu quả của đề án thế nào, vì sao nhiều đồng chí kêu không có hiệu quả”.
Sẽ chuyển sang ký hợp đồng
Người mổ xẻ nhiều nhất lại chính là Bộ trưởng Y tế. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị giám đốc các bệnh viện tiếp tục làm rõ chuyện có nhất thiết cử bác sỹ luận phiên dằng dặc ba tháng như đã và đang làm không.
Ba tháng mà cử một bác sỹ giỏi về tuyến dưới thì hầu như không bệnh viện tuyến trên nào muốn. Chỉ cần bác sỹ giỏi vắng một tuần thôi là bệnh viện đã lao đao.
Hơn nữa, khi về tuyến dưới, bác sỹ giỏi không đủ trang thiết bị để thực hành, và bệnh nhân không phải lúc nào cũng tập trung đúng lúc bác sỹ đi luân phiên.
Thế là xảy ra tình trạng bác sỹ tăng cường về tuyến dưới nhiều khi là những người không được việc, những người mới ra trường. Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến kể chuyện bà trực tiếp tiếp xúc với một bác sỹ tăng cường cho một huyện.
Được hỏi trẻ chưa có kinh nghiệm thì tư vấn thế nào cho mấy bác trưởng khoa thâm niên, nữ bác sỹ mới ra trường hai năm và vừa lập gia đình trả lời Bộ trưởng Y tế bằng cái cười tươi.
Quan trọng hơn cả, vẫn theo Bộ trưởng Tiến, không có tiêu chí nào để đánh giá hiệu quả của việc đưa bác sỹ luân chuyển về tuyến dưới ngoài tiêu chí hoàn thành ba tháng tăng cường.
Một đề án mới vừa được soạn thảo và được đích thân Bộ trưởng Y tế giới thiệu. Điểm đột phá của đề án so với đề án cũ là chấm dứt kỳ hạn máy móc ba tháng về tuyến dưới “ăn chơi là chính”.
Thay vào đó, thời gian luân phiên của cán bộ bệnh viện sẽ được tính theo thời gian chuyển giao gói kỹ thuật. Gói kỹ thuật chỉ được xây dựng dựa vào khảo sát, đánh giá nhu cầu của tuyến dưới.
Trên cơ sở đó sẽ làm hợp đồng chuyển giao giữa hai bên, bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới. Kết quả hoạt động của cán bộ luân chuyển sẽ được đánh giá dựa vào hợp đồng kinh tế này.
Bộ trưởng Y tế kỳ vọng, chính hợp đồng kinh tế sẽ phải tính đến nhu cầu thực sự của các bên bao gồm bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới và, nhất là của bệnh nhân.
Chỉ có như thế, cùng với đề án bệnh viện vệ tinh, việc đưa bác sỹ về cơ sở mới hy vọng giúp giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Kỳ vọng với định hướng mới, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, dự kiến kinh phí cho Đề án 1816 sửa đổi giai đoạn từ nay đến năm 2015 sẽ là 150 tỷ đồng. Vẫn đề án này ba năm qua, số tiền được cấp là 102 tỷ đồng.
Tổng cộng, có 72 bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên. Trong đó có 35 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, hai bệnh viện thực hành thuộc cơ sở đào tạo. 35 bệnh viện còn lại đến từ các trung tâm y tế địa phương lớn như Sở Y tế Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, BV Việt Tiệp (TP Hải Phòng), BV Đa khoa TP Đà Nẵng, BV Đa khoa Tỉnh Kiên Giang, và BV Đa khoa Tỉnh Khánh Hòa.
Số lượt cán bộ được cử đi luân phiên là 11.068, trong đó các bệnh viện trung ương cử 3.947 lượt. Các lĩnh vực chuyên môn đã triển khai chuyển giao rải ở 26 chuyên ngành, trong đó có nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, v.v…Tổng cộng có 6.676 kỹ thuật được chuyển giao cho tuyến tỉnh; 1.134.569 lượt bệnh nhân được cán bộ đi luân phiên chẩn đoán, khám và điều trị; 23.365 ca phẫu thuật được thực hiện.
Ở tuyến tỉnh thành, 36/63 tỉnh thành đã cử cán bộ về tuyến dưới khám chữa bệnh định kỳ. Tổng cộng có 269 bệnh viện tỉnh cử 2.915 lượt cán bộ luân phiên hỗ trợ cho 360 bệnh viện huyện, tổ chức 607 lớp tập huấn cho 12.066 lượt học viên, chuyển giao 1.702 kỹ thuật; khám chữa bệnh cho 212.106 lượt bệnh nhân, trực tiếp phẫu thuật 5.765 ca.
Ở tuyến huyện, có tới 305 bệnh viện huyện cử 4.434 lượt cán bộ xuống hỗ trợ 2.116 trạm y tế xã, khám chữa bệnh cho 4.219.432 lượt bệnh nhân.