Xe quá tải dở chiêu trò đối phó

TPO - Theo Nghị định 107, từ ngày 1/1/2015, mức phạt tối đa đối với chủ xe và tài xế lái xe quá tải có thể lên đến 36 triệu đồng. Tuy nhiên, tới nay số xe vi phạm giảm chưa đáng kể trên các tuyến đường, nhiều tài xế luôn tìm đủ mọi cách đối phó với lực lượng chức năng.
Tài xế chui xuống gầm xe cứu hộ để ngăn cản.

Mức xử phạt cao nhưng vẫn có rất nhiều lái xe, chủ xe cố tình chở quá tải trọng cho phép. Đa số các lái xe khi bị lực lượng chức năng kiểm tra đều tìm mọi cách xin xỏ, gây khó cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi tự thay đổi kích thước thùng xe, chở quá tải trọng quy định.

Trong hai ngày ra quân tại các tuyến đường trọng điểm, đầu mối hàng hóa, đoàn kiểm tra chỉ xử lý được 13 trường hợp, dù xe có dấu hiệu vi phạm rất nhiều. Không ít tài xế chống chế bằng đủ mọi lý do như: xe tự nhiên chết máy, hỏng hóc; không mang theo giấy tờ xe, hoặc xe đang lực lượng CSGT giữ giấy tờ, bằng lái.

Đơn cử như tài xế xe tải mang BKS 78C-035.22, khi lực lượng chức năng ra hiệu dừng lại để cân tải trọng khi đang lưu thông theo hướng Buôn Đôn - Bình Phước. Trong lúc làm việc, tài xế liên tục gọi điện, tìm mọi cách để không phải đưa xe lên bàn cân giám sát. Bị lập biên bản, lái xe phản ứng gay gắt. Sau nhiều lần cân lại, lái xe mới đành chấp nhận kết quả của lực lượng chức năng.

Tài xế xe gỗ đóng cửa xe, bỏ trốn.

Có tài xế khi được mời vào làm việc thì gọi hết người này, đến người để xin đừng cân. “ Em chỉ vận chuyển đá cát cho công trình gần đây, với lại xe vừa mới gặp tai nạn, mong các anh bỏ quá cho em”, là lý do tài xế Nguyễn Bá H. (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) xin được “xí xóa” vi phạm.

Các huyện M’đrắk, Ea Kar, Krông Ana đang vào mùa thu hoạch sắn và mía , nhu cầu vận chuyển cao, cánh lái xe xem đây “mùa làm ăn” nên tranh thủ chở thêm hàng bù cho những tháng mưa. Biết trạm cân đặt tại tỉnh lộ 2, cánh lái xe né vào đường nhánh, thậm chí tấp xe vào nhà dân, các cây xăng gần đó đóng cửa cố thủ không cho lực lượng chức năng làm việc. Một tài xế chia sẻ: “ Tôi đang chạy xe ở Buôn Đôn, nghe tin báo ở đây có kiểm tra. Tôi chỉ vận chuyển cái máy xát lúa không nặng là bao nhưng cồng kênh, cứ lánh đi cho lành ! ”.

Xe quá khổ, quá tải ngang nhiên lưu thông đang diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến đường. Điều đáng nói là tình trạng các lái xe quá tải chống đối, bất hợp tác với lực lượng chức năng đang ngày càng nóng hơn.

Tài xế trình bày lý do để xin xỏ.

Trưa ngày 13/4, lực lượng liên ngành đang làm việc tại quốc lộ 14, đoạn qua Buôn Mùi xã Cư Né huyện Krông Búk phát hiện xe tải BKS 48L- 1690 có dấu hiệu quá tải nên yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Để trốn tránh việc kiểm tra, xử lý chủ xe và lái xe đã rời khỏi hiện trường. 


Qua kiểm tra, đoàn phát hiện chiếc xe trên đã hết thời hạn kiểm định, đang sử dụng biển số giả, còn biển số thật là 81M- 1486, chở 15 lóng gỗ tròn không rõ nguồn gốc. Đoàn kiểm tra lập biên bản bàn giao phương tiện và toàn bộ số gỗ trên cho Hạt kiểm lâm huyện Krông Búk xử lý. Hiện, Hạt kiểm lâm Krông Búk đã ra quyết định tạm giữ phương tiện để điều tra.

Mới đây , đoàn liên ngành của tỉnh Đắk Lắk phát hiện xe ben mang BKS: 47K-8556 của DNTN Giang Thủy (trú tại xã Ea Bông, huyện Krông Ana) chở gạch có dấu hiệu vi phạm tải trọng tại km 18 tỉnh lộ 2, thì yêu cầu xe dừng lại để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế bất ngờ lái xe vào cây xăng gần đó đóng chặt cửa, cố thủ hàng giờ đồng hồ. 

Sau đó, một người đàn ông tên Giang tự xưng là chủ doanh nghiệp xuất hiện, quát tháo ầm ĩ : “Nếu các anh đưa ra được hình ảnh xe tôi đang lưu thông trên đường thì tôi sẽ cho tài xế ra làm việc với các anh. Xe tôi đậu ở đây từ tối đến giờ, các anh lấy lý do gì để bắt ? ”. 

Ông Giang còn cho xe di chuyển vào trong cây xăng đóng chặt cửa sắt, dùng một chiếc ô tô con chắn ngang cửa sắt của cây xăng, không cho lực lượng chức năng tiếp cận. Đến 16h, khi xe cẩu được điều đến kéo xe vi phạm thì chủ xe đã đứng ra ngăn cản, chui xuống gầm xe, chống đối lực lượng chức năng, buộc lực lượng chức năng cưỡng chế, lôi ra.

Khống chế tài xế chống đối.
Trong khi phía nhà xe tìm mọi cách đối phó, né tránh trạm cân thì công tác kiểm soát tải trọng phương tiện lại chưa được thực hiện một cách quyết liệt. Trạm cân lưu động số 53 chỉ hoạt động cầm chừng do lỗi kỹ thuật, mỗi lần di chuyển đến địa điểm mới thì máy tính, hoặc bộ cân lại trục trặc, đơn vị quản lý phải gửi ra Tổng cục đường bộ sửa chữa. Ngoài ra, 4 bộ cân xách tay được trang bị cho thanh tra Sở cũng chỉ có 2 cân đang còn dùng được.

Ông Lê Công Chức- Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trước khi thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, Sở đã thông báo bằng văn bản gửi đến thành viên ban chỉ đạo ở các huyện, khi gặp khó khăn Đoàn kiểm tra sẽ yêu cầu hỗ trợ lực lượng để xử lý triệt để vụ việc. 

Đoàn sẽ xử lý nghiêm khắc các đối tượng có hành vi chống đối, không chỉ gây khó người thi hành công vụ mà còn tác động tiêu cực, giúp các trường hợp vi phạm khác có thời gian đối phó.

Theo thống kê của Thanh tra Sở giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk: Tính từ tháng 1/2015 đến ngày 16/4/2015, riêng trạm cân 53 đã lập biên bản và xử lý 279 trường hợp xe và chủ xe vi phạm tải trọng với tổng số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng.