Ở phía bên phải Quốc lộ 1 theo chiều Nam- Bắc, do người dân dựng barie chặn các xe lớn nên các loại xe trên 7 chỗ không thể đi qua, tuy nhiên dòng xe nhỏ vẫn ùn ùn kéo vào. Đoàn xe nườm nượp đi quanh co trong đường làng để thoát ra ở khu vực bên kia trạm thu phí.
Phía bên trái, tình trạng ngày càng kinh khủng hơn bởi khu vực này người dân không dựng barie. 15 giờ chiều ngày 15-12, dòng xe chui vào đây vẫn còn đi theo trật tự, thỉnh thoảng dừng lại để nhường nhau. Tuy nhiên, từ 16 giờ đến 18 giờ, cả khu vực này gần như rối loạn, cảnh thôn quê trở nên ầm ĩ kinh hoàng.
Đường làng được người dân đưa đá núi về chặn hai bên lề để ngăn không cho dòng xe lấn vào phá vườn tược, bị xô đẩy nghiêng ngả. Đoàn xe hàng trăm chiếc đủ loại chen nhau từ hai chiều kẹt cứng không thể qua. Ùn ứ kéo dài. Tiếng chửi bới la lối bức xúc. Nhiều tài xế rời buồng lái xuống để điều tiết giao thông. Nhiều xe phải lùi vào trong vườn của các nhà dân để nhường đường.
Khi xảy ra ùn ứ náo loạn giữa đường làng, đã xảy cãi vả giữa nhiều người dân và tài xế. Nhiều người dân dựng bảng bên đường yêu cầu xe không chen lấn, bấm còi inh ỏi.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những dòng xe tấp nập gây ùn ứ kinh khủng trong đường làng vào cả hai buổi sáng chiều.
"Chúng tôi bị đày đọa kinh khủng vì xe cộ né trạm vào đây, ngày đêm không còn được yên tĩnh, an toàn. Kêu lên nhiều rồi nhưng chẳng ai nghe…", ông Nguyễn Văn, nhà bên đường, bức xúc.
Lãnh đạo UBND xã Trung Hòa, khu vực đặt trạm, cho biết tại các đợt tiếp xúc cử tri của HĐND huyện gần đây, nhiều cử tri tiếp tục kêu về vấn đề nóng này nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp khả dĩ. "Chúng tôi sẽ có giải pháp, có thể có lực lượng chốt chặn để điều tiết giao thông", bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, thông tin.
Như đã phản ánh về tình trạng BOT bất cập tại BOT Biên Hòa. Dự án BOT Biên Hòa đặt trạm trên Quốc lộ 1 cách tuyến tránh 10 km khiến nhiều người không đi đường tránh vẫn phải trả phí. Ngoài ra, việc trạm đặt tại xã Trung Hòa khiến nhiều tài xế tìm đường né làm khu vực bất ổn.
BOT Biên Hòa do công ty Đồng Thuận làm chủ đầu tư đưa vào sử dụng năm 2014, thu phí trong khoảng 10 năm, tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng.
Những hình ảnh xe cộ náo loạn trong đường làng do phóng viên ghi lại: