Xe mang biển ngoại giao sang tên thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67) cho biết: Đến thời điểm này mới chỉ có một vài trường hợp xe biển ngoại giao, biển nước ngoài không đúng quy định đến các cơ quan CSGT làm thủ tục sang tên.
Theo thông báo số 27 do Bộ Công an vừa ban hành, kể từ ngày 10/4 đến 10/6 (2013), cá nhân, tổ chức đang quản lý, sử dụng xe mang BKS nước ngoài, BKS ngoại giao không đúng quy định, phải làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký xe, biển số xe.
Thế nhưng, sau 3 ngày thông báo trên có hiệu lực, vẫn có rất ít trường hợp xe nước ngoài, xe ngoại giao không đúng quy định đến các cơ quan đăng ký xe làm thủ thu hồi biển số xe, giấy phép lái xe cũng như làm các thủ tục sang tên, đổi chủ.
Ghi nhận của PV VietNamNet tại điểm đăng ký xe của Phòng CSGT đường sắt – Đường bộ, Công an TP Hà Nội cho thấy, đến thời điểm này vẫn vắng bóng xe mang biển số ngoại giao, biển nước ngoài đi làm thủ tục sang tên.
Một lãnh đạo phòng CSGT TP Hà Nội khẳng định, đến chiều 12/4, phòng vẫn chưa nhận được trường hợp xe mang BKS nước ngoài, BKS ngoại giao không đúng quy định đến đăng ký làm thủ tục sang tên chuyển chủ.
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng C67 cho biết: Đến thời điểm này mới chỉ có một vài trường hợp xe biển ngoại giao, biển nước ngoài đến các cơ quan CSGT làm thủ tục sang tên.
“Đã có một vài trường hợp xe mang BKS ngoại giao, BKS nước ngoài đến làm thủ tục nhưng chưa tập trung, phải chờ một vài ngày nữa mối đánh giá được”, ông Tuyên nói.
Ông Tuyên cho biết, trước hết trong thời hạn 60 ngày triển khai là thời gian đủ để những trường hợp xe ngoại giao, xe nước ngoài không đúng quy định làm các thủ tục để sang tên.
Nếu trong 60 ngày các hợp này vẫn cố tình không thực hiện các thủ tục theo đúng quy định thì Cục CSGT sẽ có biện pháp kiểm tra, thu giữ xe.
Thiếu tướng Tuyên cũng nói rõ, đối với các xe biển ngoại giao, biển nước ngoài không đúng quy định phải đến nộp giấy đăng ký và nộp lại biển xe cho cơ quan cấp biển, sau đó cơ quan cấp biển sẽ cấp giấy đã thu hồi biển.
Sau đó, người mua lại xe (hoặc người bán xe) đem giấy này đến cơ quan hải quan để làm thủ tục cấp giấy chuyển nhượng và nộp thuế rồi đem về cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký.
Trên thực tế, lâu nay có rất nhiều người mua lại xe mang BKS ngoại giao, biển nước ngoài mà không làm thủ tục thu hồi đăng ký xe và chuyển nhượng theo quy định.
Đây là loại xe chất lượng vừa tốt, giá lại rẻ vì "né" được thuế và được hưởng một số quyền miễn trừ.
Anh N.H.M, chủ một doanh nghiệp chuyên buôn bán phụ tùng ô tô tại Hà Nội mua lại chiếc xe BMW biển NG với giá rất rẻ vì xe này khi được đưa về Việt Nam không phải nộp thuế.
Anh tâm tự, mua chiếc xe này đi lại trên đường chẳng may có “lấn đường đè vạch” cũng được CSGT “nhẹ tay” và gặp đối tác làm ăn đôi khi cũng có phần “oai”.
Tuy nhiên, thời gian gần đây biết được thông tin Chính phủ tạo điều kiện trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày 10/4 xe của anh phải đi làm thủ tục để sang tên chính chủ, anh M. đang có ý định đem xe đến phòng CSGT để làm các thủ tục cần thiết để sang tên đăng ký mới.
“Nói thật tự nhiên mất thêm gần 800 triệu nộp thuế, làm thủ tục sang tên nghĩ cũng tiếc, nhưng nếu không làm chẳng may vi phạm lại bị thu giữ xe thì cũng rất ngại”, anh M. thành thật.
Theo Vũ Điệp
VietNamnet