Xe hợp đồng 'trá hình' quảng cáo rầm rộ, Bộ Giao thông nói gì?

TPO - Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính từ 7-10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 14-20 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đối với hành vi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình trả lời kiến nghị cử tri về việc xây dựng khung pháp lý để xử lý tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến, xe hợp đồng trá hình.

Theo cử tri tỉnh Hòa Bình, hiện các loại xe làm dịch vụ này không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách, không được cấp phù hiệu, biển hiệu. Đây là biến tướng của xe "dù" hoạt động không đúng quy định gây khó khăn trong công tác quản lý. Đặc biệt, việc loại xe này nở rộ không đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chèn ép các đơn vị vận tải có giấy phép.

Cử tri Hòa Bình đề nghị Bộ GTVT xây dựng khung pháp lý để xử lý tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến, xe hợp đồng trá hình có xu hướng gia tăng, hoạt động công khai và quảng cáo trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo...

Trả lời về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/1/2025, trong đó tại khoản 6 Điều 56 đã quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gồm: Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ.

Việc xe hợp đồng đón, bắt khách trong nội đô vào giờ cao điểm gây tăng nguy cơ ùn tắc giao thông.

Luật cũng quy định “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh không đúng giấy phép” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.

Theo Bộ GTVT, hiện Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính từ 7-10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 14-20 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đối với hành vi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải.

Để ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình, vận chuyển hành khách như tuyến cố định, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động vận tải đường bộ. Dự kiến bộ sẽ trình Chính phủ trước 15/10 và Thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng GTVT.

Ngoài ra, để áp dụng thiết bị, công nghệ xử phạt xe hợp đồng vi phạm, Bộ GTVT cho biết, đang phối hợp với Bộ Công an xây dựng 2 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Đây cũng là nội dung để cụ thể hóa quy định trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua.

Theo Bộ GTVT, để quản lý xe hợp đồng trá hình, mới đây bộ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 41/2024, có hiệu lực từ 1/6, trong đó có nhiều quy định mới để quản lý xe hợp đồng trá hình. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (theo hợp đồng) được yêu cầu cần phải lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.

Cùng đó, số lần trùng lặp như không được đón, trả khách thường xuyên từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong một tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện.

Các chế tài xử lý thu hồi phù hiệu cũng được sửa đổi theo hướng chặt chẽ, nghiêm khắc hơn như quy định xe vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000 km trở lên mới bị thu hồi phù hiệu sẽ được sửa đổi thành vi phạm từ 3 lần trở lên trong 1 ngày sẽ bị thu hồi. Trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ nộp lại phù hiệu sẽ kéo dài lên tới 60 ngày mới được cấp lại.