Các hãng sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới từ Mỹ, Đức hay Nhật, đều đang phát triển những chiếc xe tự lái của riêng mình. Google, người khổng lồ công nghệ, cũng ứng dụng công nghệ thông minh vào những chiếc xe do mình chế tạo. Theo các chuyên gia, tới năm 2030, thế giới đã có 1 số lượng tương đối lớn xe tự lái hoạt động trên đường phố.
Những chiếc xe tự lái giờ đây đã phân cấp dần thành 2 loại, 1 loại tự động hoàn toàn, tức là thậm chí không có vị trí ngồi lái xe; còn 1 loại là vẫn có vị trí lái như xe thông thường và cho phép người lái can thiệp để kết thúc quá trình lái tự động và chuyển sang lái xe bằng tay. Loại thứ 2 đang phổ biến hơn, nhưng cũng có những nhà phát triển đã đi trước thời đại và tập trung phát triển những mẫu xe tự lái hoàn toàn.
Về nguyên lý hoạt động, về cơ bản 2 loại xe tự lái sử dụng chung công nghệ. Thay vì mắt người lái, xe tự lái sở hữu rất nhiều cảm biến xung quanh xe. Các cảm biến cũng sử dụng các công nghệ khác nhau như camera hình ảnh, laser, radar hay sóng siêu âm. Bằng các cảm biến này, Trí thông minh nhân tạo – bộ não của xe tự lái – có thể quan sát thế giới xung quanh 1 cách toàn diện và liên tục.
Với thông tin có được từ các cảm biến, xe tự lái có thể hoạt động trên đường như 1 chiếc xe hơi thông thường có người lái, tức là đi đúng làn, rẽ trái, rẽ phải, dừng khi có xe trước mặt, dừng đèn đỏ, dừng khẩn cấp khi có vật lạ băng qua đường, tự động đỗ xe... Kết hợp với hệ thống định vị GPS và bản đồ có sẵn, xe tự lái có thể đưa bạn tới bất cứ đâu bạn yêu cầu, và không cần phải chạm tay vào vô lăng, chỉ cần chọn điểm đến trên bản đồ.
Về lý thuyết, với việc áp dụng công nghệ thông minh và các cảm biến, những chiếc xe tự lái có thể hoạt động chính xác 1 cách hoàn hảo hơn so với người lái. Nhiều công nghệ tiền thân của xe tự lái đã được áp dụng rộng rãi trên các xe hơi thông thường, như phanh khẩn cấp, tự động phanh khi có vật cản, tự động giữ làn đường, tự động đỗ xe... và đều mang lại hiệu quả cao.
Máy móc luôn cho ta những sự chính xác tuyệt đối, nhưng nếu nó mắc lỗi, hỏng hóc hay bị cản trở, phá hoại, hậu quả sẽ rất lớn. Chắc chắn các nhà nghiên cứu phát triển xe tự lái cũng tính đến điều này, và những chiếc xe tự lái sẽ có khả năng phát hiện lỗi và đưa xe về vị trí an toàn khi xảy ra sự cố.
Tuy nhiên, rõ ràng việc đặt trọn niềm tin vào 1 chiếc máy vô tri là quá mạo hiểm vào lúc này. Tesla, hãng xe điện và xe thông minh đang nổi bật trên thế giới, cũng từng gây ra tai nạn khi chiếc xe tự lái không phát hiện ra vật cản phía trước và vẫn tiếp tục lao như bay về phía trước.
Thời điểm hiện tại cũng như tương lai gần, xe tự lái vẫn không thể thay thế được xe có người lái trên đường phố. Có thể sẽ ngày càng có nhiều hơn những công nghệ thông minh của xe tự lái được áp dụng trên xe hơi thông thường, để nó có khả năng gần như xe tự lái, nhưng người làm chủ chiếc xe vẫn là con người.