> Tội phạm trẻ ngày càng thủ đoạn
> Từ những mái nhà không yên vui
Đại ca đi bán bánh mì
Những ngày gần đây, bà Nguyễn Thị Thành (phường Bình Trưng Đông, Q2) không giấu được niềm vui với bà con hàng xóm. Đứa con trai lớn của bà, anh Nguyễn Văn Tuấn vừa chấp hành xong án phạt tù, trở về đoàn tụ với gia đình.
Những ngày tháng phung phí tuổi trẻ sau cánh cửa sắt nhà tù khiến Tuấn trở nên mặc cảm, hằng ngày lầm lũi đi tìm việc. Vào tù, nghỉ học giữa chừng, không có cái nghề trong tay khiến anh Tuấn tìm mãi vẫn không được việc.
“Một hôm, mấy chú công an trên phường gọi lên bảo đi bán bánh mì nhé? Mình nói với các chú, “bất cứ việc gì lương thiện mà có tiền cháu cũng làm”.
Nhưng nhà mình nghèo lắm, mẹ giờ phải chạy chợ từng bữa, tiền đâu mua xe bánh mì, mua vật dụng. Rồi cũng phải bỏ tiền đi học người ta cách làm bánh nữa, mình làm không ngon, ai thèm ăn”, anh Tuấn nhớ lại.
Thấy Tuấn có ý chí vươn lên, công an phường đề xuất Quỹ Hòa nhập và Phát triển cộng đồng, hỗ trợ Tuấn một chiếc xe bánh mì trị giá 4 triệu đồng, cùng 3 triệu đồng để Tuấn mua nguyên vật liệu bán bánh mì.
Ngày Tuấn mới ra tù, người dân trong xóm vẫn còn tâm lý e ngại. Thế nhưng, Tuấn “đại ca” của xóm ngày trước giờ đã thay đổi, ngày ngày cần mẫn bên chiếc xe bánh mì kiếm sống.
Anh Tuấn nói: “Mình được tham dự các lớp tập huấn về cách bảo quản thực phẩm, cách chế biến sao cho vừa ngon, vừa đẹp mắt lại phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mình còn được học cách định lượng thành phần của từng ổ sao cho vừa no, vừa hợp túi tiền của người thu nhập thấp, học sinh sinh viên”.
Nhà gần chợ, buổi sáng người chen chân đi chợ chật cứng con đường. Chiếc xe với dòng chữ “Xe bánh mì cộng đồng” được trang trí bắt mắt, bà con ghé vào mua “ủng hộ” Tuấn.
“Chương trình nhằm tạo thu nhập ổn định cho những người thi hành án phạt tù trở về và bà con nghèo trong thành phố. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các chương trình hỗ trợ người nghèo, thanh niên mãn hạn tù có công việc ổn định như tặng xe bánh bao, xe thực phẩm, cung cấp suất cơm giá rẻ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng, đủ calo”.
Luật sư Trần Văn Tạo,
Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ Hòa nhập và Phát triển cộng đồng
“Một ngày bán được gần 200 ổ. Tính ra mỗi tháng cũng kiếm được hơn 9 triệu đồng”, Tuấn cho biết sẽ tích góp tiền đầu tư đại lý bánh mì của riêng mình. “Sau khi dồn đủ tiền, mình sẽ trả lại chiếc xe, để có thể giúp đỡ được những bạn trẻ khác gặp khó khăn như mình”, anh Tuấn chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ như anh Tuấn, Trần Thành Hiển sau khi chấp hành xong án phạt tù đã đi học nghề đầu bếp. Anh Hiển về Nha Trang phụ bếp cho một quán ăn nhỏ với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Gia đình khó khăn, cha mất sức lao động, anh Hiển phải dè sẻn chi tiêu để mỗi tháng gửi mấy trăm ngàn đỡ đần gia đình.
“Khi nghe ba má hỏi có muốn về nhà bán bánh mì không, mình quyết định quay về. Một ngày mình bán được gần 150 ổ, một tháng thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng”, anh Hiển cho biết. Để bán bánh mì, anh Hiển được đi học miễn phí các khóa kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bán hàng, cách thức chế biến và bảo quản thực phẩm.
“Cần câu cơm” cho người nghèo
Ngoài thanh niên hoàn lương, “Bánh mì cộng đồng” còn trở thành “cần câu cơm” cho những hộ gia đình nghèo, những thanh niên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Ban chỉ đạo Giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM cho biết: “Chương trình “Xe bánh mì cộng đồng” đã hỗ trợ có hiệu quả cho đối tượng hộ nghèo trên địa bàn thành phố, giúp họ có công ăn việc làm, có thu nhập và tiến tới tích lũy.
Ngoài bán bánh mì theo đúng quy định, bà con có thể bán thêm áo mưa, khẩu trang... Hiện thu nhập của các gia đình nghèo thực tế chỉ khoảng 7,2 triệu đồng/người/năm. Xe bánh mì đã mang đến thu nhập 6 đến 9 triệu đồng/tháng, bước đầu giúp bà con thoát nghèo”.
Đề nghị của một đại tá quân đội
Tôi rất tâm đắc với diễn đàn Tội ác đến từ đâu. Tòa soạn đã “dàn trận” một cách bài bản và đã chỉ ra đường đi của tội ác. Với tư cách là độc giả thân thiết trong quân đội, tôi xin viết mấy dòng để hòa cùng mạch của các bạn.
Trước đây tôi đã có bài viết tham gia Diễn đàn Lệch lạc thần tượng khi tôi và con gái có những quan điểm khác nhau, giờ thì ổn rồi. Bố con chúng tôi giờ là bạn đọc thân thiết của Tiền Phong, đặc biệt là các diễn đàn.
Từ diễn đàn Tội ác đến từ đâu, tôi đề nghị báo Tiền Phong và Trung ương Đoàn cũng như Đoàn Thanh niên các cấp trong Công an nên phối hợp cho in các bài viết trên diễn đàn này thành sách và (có thể) phát miễn phí rộng rãi cho học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân..., kèm theo đó là có các cuộc hội nghị, hội thảo về chủ đề này để định hướng bạn trẻ, phòng ngừa tội phạm. Các câu chuyện mang tính cảnh tỉnh này cần đến nhiều hơn với thanh niên và các gia đình.
Đại tá
Nguyễn Hữu Luận
Mãn hạn tù, trở về để hòa nhập với cuộc sống đời thường, những người một thời lầm lỡ lại đối mặt những rào cản khác đó là mặc cảm của chính mình và ánh mắt của cộng đồng. Trên con đường trở về với cái thiện, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì những người một thời lầm lạc vẫn cần sự trợ giúp từ nhiều phía. Đón thêm một người về với cái thiện, cái đẹp - xã hội bớt đi những mối lo.
Chương trình “Xe bánh mì cộng đồng” do Quỹ Hòa nhập và Phát triển cộng đồng cùng Công an TPHCM, Ban chỉ đạo chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM, thực hiện.