Sai phạm kéo dài nhiều năm
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá, tỉnh này còn 11.374 vụ vi phạm trật tự xây dựng (xây nhà ở, nhà xưởng, nhà kho, trang trại…) trên 154,5 ha đất nông nghiệp nhưng chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm.
Tại phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hoá), trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về đất đai, cơ quan chức năng phát hiện 5 trường hợp xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp mà chính quyền địa phương không lập biên bản vi phạm hành chính, không xử lý vi phạm.
Điển hình, hộ ông Nguyễn Văn Tiến được Nhà nước giao đất nông nghiệp. Ông Tiến đã san lấp, xây nhà ở 2 tầng kiên cố, bê tông cốt thép, sân, tường rào bao quanh khu đất. Hộ ông Tiến xây dựng vào năm 2004-2005.
Cũng tại phường Thiệu Khánh, năm 2007, ông Nguyễn Gia Minh, đại diện Cty TNHH vận tải Tuấn Minh nhận chuyển nhượng gần 3.000 m2 đất nông nghiệp của 12 hộ gia đình tại thôn Dinh Xá. Việc mua bán được UBND phường Thiệu Khánh và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thiệu Hóa xác nhận, đồng thời được UBND huyện Thiệu Hóa phê duyệt "Mặt bằng xây dựng cửa hàng kinh doanh giới thiệu sản phẩm đồ mộc dân dụng".
Trong quá trình sử dụng, hộ ông Nguyễn Gia Minh được UBND huyện Thiệu Hóa cho phép chuyển mục đích sử dụng 300 m2 đất nông nghiệp sang đất ở, phần đất này đã tặng cho con là ông Nguyễn Gia Mạnh. Hiện nay, ông Mạnh đã xây dựng nhà ở kiên cố. Cty TNHH vận tải Tuấn Minh chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuế đất. Hiện nay, Cty đã đầu tư xây dựng 1 gara để xe đạp, xe máy, 1 nhà kho, 1 ao ngâm vật liệu xây dựng. Thời điểm doanh nghiệp này xây dựng các công trình nói trên là năm 2008.
Xử lý thế nào?
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là do công tác quản lý đất đai, xây dựng ở một số địa phương, đơn vị còn yếu, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm. Để xử lý dứt điểm những vi phạm, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND cấp huyện kiểm tra, lập hồ sơ xử lý và giải quyết dứt điểm từng trường hợp.
Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp không thuộc đất của các Cty nông - lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý thì lập hồ sơ xử lý dứt điểm và xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 1.751 trường hợp vi phạm (trước ngày 1/7/2004 và 4.929 trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2004. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tạm thời được sử dụng đất nguyên hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Đối với 3.080 trường hợp đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND cấp huyện rà soát thời hiệu của từng trường hợp vi phạm, làm cơ sở lập hồ sơ xử lý nghiêm. Trường hợp hành vi, vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm.
Đối với 94 trường hợp tổ chức vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không thuộc phạm vi của các Cty lâm nghiệp; các Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý thì UBND các huyện được yêu cầu thành lập tổ công tác để xử lý dứt điểm, từng trường hợp cụ thể.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giám đốc các sở có liên quan, chủ tịch UBND huyện, giám đốc các Cty nông, lâm nghiệp, giám đốc các ban quản lý rừng phòng hộ có các vi phạm tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chậm phát hiện hoặc phát hiện nhưng xử lý không nghiêm; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2021.