Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nói, chia sẻ của bà con kiều bào tại tọa đàm “Kiều bào chung sức cùng đất nước hội nhập và phát triển” diễn ra tại TPHCM ngày 7/2 đã làm ông vô cùng xúc động.
Quyết tâm
Đến nay, Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM đã cơ bản hoàn thành và cho ra những lô sản phẩm công nghệ cao đầu tiên như văc - xin dành cho cá tra, giúp Việt Nam tiết kiệm mỗi năm hàng trăm tỷ đồng nhập khẩu văc - xin cho cá, tôm.
GS.TS Nguyễn Quốc Bình (Việt kiều Canada), Phó giám đốc trung tâm nhớ lại: Hồi ấy, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân (nay là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN) gặp tôi, đề nghị hỗ trợ thành phố xây dựng trung tâm công nghệ sinh học. Tôi có nói, nếu cho tôi phụ trách cao nhất thì lực lượng này phải đáp ứng một số điều kiện và đã được đáp ứng. Trên giấy tờ lúc ấy chỉ có một dòng duy nhất là xây dựng trung tâm công nghệ sinh học, vốn lấy đâu ra, dự kiến phát triển như thế nào không có.
“40 năm qua rồi, những gì còn mắc mứu thì cũng nên bỏ lại phía sau để cùng hướng đến tương lai vì sự phồn vinh của đất nước”.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật
Hồi ấy, tôi đã thực hiện sách lược của… Tào Tháo là cắt hết đường lui. Tôi về Canada bán hết toàn bộ gia sản rồi trở về VN để nếu như có gặp khó khăn, thất bại thì mình không còn đường lui về, phải ở lại Việt Nam xây dựng cho bằng được. Với kinh nghiệm gần 20 năm làm việc ở nước ngoài, chúng tôi đã xây dựng trung tâm đáp ứng được hai tiêu chí: Ngang tầm khu vực và không lạc hậu sau ba mươi năm.
Ban đầu, trung tâm chỉ có hai nhân sự, đến nay đã có gần 100 thạc sỹ, tiến sỹ đang làm việc, hầu hết đều dưới 30 tuổi, được đào tạo theo chương trình nước ngoài. Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM không hề thua sút so với Singapore và lớn hơn Thái Lan về tầm vóc và chiến lược phát triển.
Ông Nguyễn Văn Công (Việt kiều Pháp) vẫn nhớ lần ông về một tỉnh ở ĐBSCL đề nghị xây cầu bê tông cho bà con nghèo. Khi ấy, quỹ nhiều, ông bỏ ra 50% chi phí, phần còn lại do chính quyền địa phương và bà con phụ vào
“Khi làm dự án, chính quyền địa phương yêu cầu tôi phải làm 10 cây cầu bê tông thì họ mới chịu ký. Không ký thì bà con không có cầu, ký thì lo vì tiền vẫn chưa có, phải muối mặt đi xin. Vậy mà mười năm qua, tôi đã làm được 190 cây cầu cho bà con các tỉnh miền Tây”.
Ông David Dương (Việt kiều Mỹ), Tổng giám đốc Công ty cổ phần xử lý chất thải rắn nói ông về nước đầu tư, làm việc bằng cả trái tim và tấm lòng đối với quê hương, đất nước. Ông Dương ví von: Việt Nam như một sân bóng đá, phải tu sửa thật đẹp rồi mời các đội bóng về chơi. Đầu tư ở xứ lạ rủi ro cao hơn so với đầu trên chính đất nước, quê hương của mình.
TS Võ Văn Tới (Việt kiều Mỹ) xúc động: Tôi về nước mới được sáu năm. Mỗi một ngày được sống ở Việt Nam là một niềm hạnh phúc.
Trăn trở
TS Tới trăn trở: Khi tôi giảng dạy ở Mỹ, nhiều du học sinh Việt Nam xin hiến kế làm thế nào để được ở lại Mỹ. GS.TS Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật) tâm sự ông sang Nhật từ năm 1957, chứng kiến một nước Nhật rệu rã sau chiến tranh thế giới thứ hai với đồng lương GS chỉ 57 USD/tháng, trong khi tại Mỹ và các nước châu Âu mỗi tháng lên tới hàng nghìn USD. Ông cũng chứng kiến một nước Hàn Quốc không có tài nguyên, vừa thất bại khi tham chiến tại Việt Nam.
Vậy mà vài chục năm sau, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai, và nay đứng thứ ba trên thế giới, còn Hàn Quốc thì sắp gia nhập nhóm G7.
“Sự phát triển thần kỳ ấy là nhờ họ đã tập trung phát triển công nghệ kỹ thuật cao. Công nghệ cao là đầu tàu trong quá trình phát triển. Chúng ta không thể cứ mãi gia công lắp ráp. Không chỉ đưa công nghệ cao về nước, Việt Nam cần làm chủ những công nghệ ấy. Các tu nghiệp sinh ở Nhật mà tôi hướng dẫn rất thông minh, chỉ hai năm là đã làm chủ được công nghệ cao” - ông Mô nói.
GS.TS Nguyễn Xuân Sanh (Việt kiều Đức) trăn trở: Khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ngày càng xa về khoa học công nghệ. Châu Á đang trỗi dậy, Việt Nam tuy đã thoát khỏi nghèo nàn nhưng vẫn còn loay hoay gỡ bẫy thu nhập trung bình.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn (Việt kiều Philippines), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương trải lòng: Việt kiều không phải ai cũng giàu. Nhiều người phải làm quần quật để kiếm tiền sinh sống, gửi về quê giúp đỡ người thân. Tôi có cảm giác kiều hối gửi về nước trong thời gian vừa qua là cho người thân con cá, chứ không phải là cái cần câu.
‘Phần lớn tiền gửi về dành để chi xài, một số mở quán, cửa hàng nhỏ cho người thân rồi phải đóng cửa vì không biết làm ăn” - ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói.
Một số Việt kiều cho rằng lực lượng trí thức trong nước còn rất lớn nhưng chưa được sử dụng một cách hiệu quả. Có sinh viên tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Bách khoa đi làm xưởng gỗ. Đây là một sự lãng phí chất xám rất lớn.
GS Trần Hải Linh (Việt kiều Hàn Quốc) cho biết có trên 60.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Việc giảng dạy Tiếng Việt, văn hoá Việt Nam cho các cháu thế hệ sau là rất cần thiết.
Theo Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, Việt Nam đã xây dựng một số bộ sách giáo khoa Tiếng Việt để dạy cho các cháu là con em kiều bào ở một số nước song nội dung, chương trình có chỗ chưa phù hợp.
“Nhiều bà con kiều bào ở Campuchia không có giấy tờ, con em sinh ra không được đến trường. Cộng đồng đã lập khoảng 20 điểm trường để dậy chữ cho các cháu nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời” - ông Nam nói.
Post by Báo Tiền Phong.