Thưa ông, tại sao “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, D.M.T, H.H.H, P.L… lại có thể thu hút sự quan tâm, thậm chí ngưỡng mộ của một bộ phận thanh thiếu niên vừa qua?
Cộng đồng, nhất là những người trẻ lứa tuổi thanh thiếu niên quan tâm thích thú các “giang hồ mạng” đều xuất phát từ tâm lí tò mò, hiếu kì trước những điều khác lạ, dị biệt về thế giới anh chị ít được nói đến.
Bên cạnh đó, lứa tuổi thanh thiếu niên đang giai đoạn mong muốn trở thành người lớn và có quyền tự quyết trong cuộc sống. Các em cho rằng những chuẩn mực, quy định của gia đình, nhà trường và xã hội khiến cuộc sống tù túng, mất tự do. Do đó, thế giới giang hồ được phơi bày với cách hành xử yêng hùng, lối sống ngang tàng đã đánh trúng mong muốn thể hiện bản thân và thỏa mãn các giá trị gắn với người lớn như quyền lực, giàu có, tự do.
Các “giang hồ mạng” cũng đã rất biết cách thu hút, tạo sự ồn ào, chú ý bằng cách lợi dụng các điểm nóng, vụ việc đang được dư luận quan tâm; độ trễ của pháp luật trong việc xử lý các vụ việc. Những mục đích cá nhân dưới vỏ bọc nghĩa hiệp và cách hành động không theo chuẩn mực, quy định, “giang hồ mạng” đánh trúng sự bức xúc và mong đợi công bằng, ác giả ác báo của dư luận.
Góc độ khác, việc một số trang điện tử, fanpage câu view bằng cách liên tục thông tin những cái xấu, tiêu cực và dị biệt mà quên những giá trị nhân văn, giáo dục đã tạo ra cái nhìn xã hội đen tối, thiếu an toàn. Từ đó, tạo đất để một nhóm người tự xưng là giang hồ đứng ra như công lý bảo vệ người yếu thế khiến nhiều người thỏa mãn bức xúc, tung hê. Những điều này tiềm ẩn nguy cơ hiệu ứng ngược, rằng pháp luật chưa nghiêm và những người thực thi chưa làm hết trách nhiệm trong dư luận. Đây chính là những điều cảnh báo.
Ông đánh giá ra sao về những tác động của hiện tượng “giang hồ mạng” đến giới trẻ hiện nay?
Sự xuất hiện các “giang hồ mạng” với lối sống phóng túng, bất chấp… đã kích thích thỏa mãn tâm lý của lứa tuổi thanh thiếu niên. Người trẻ dễ ngộ nhận các nhân vật như Khá Bảnh là hình mẫu học làm theo để được tự do thể hiện “chất chơi”, nhiều tiền và nổi tiếng. Mặt khác, những hình ảnh, clip về “giang hồ mạng” ngày càng nhiều, lượng truy cập cao kích thích tâm lí đám đông a dua tìm kiếm, bắt chước. Theo nguyên tắc truyền thông, điều gì lặp đi lặp lại thì thành hình mẫu, trắng thành đen, sai thành đúng. Do đó, giới trẻ dễ nhận định sai về giá trị, đạo đức, sự giàu có và nổi tiếng.
Theo ông, đâu là giải pháp để cộng đồng, nhất là thanh thiếu niên có được những nhận định đúng đắn về các giá trị sống và thần tượng?
Mỗi người cần xây dựng bộ lọc văn hóa, phân biệt đúng sai. Để làm được điều này, cần thực hiện việc giáo dục trong gia đình. Công nghệ hiện hữu trong từng mái nhà, cuộc sống gia đình ảnh hưởng nhiều nhất, các thành viên ít trao đổi, tương tác trực tiếp ít hơn; trong khi cám dỗ và những nguy cơ trên mạng lại đang có thừa và phức tạp. Do đó, bố mẹ cần dành thời gian quan tâm và xây dựng nguyên tắc, kỹ năng đối với con em không chỉ việc ăn ngủ, học hành mà các mối quan tâm, tiếp xúc trên thế giới mạng. Bố mẹ vừa là tấm gương trong nói năng, hành xử vừa là người bạn sẵn sàng giải đáp tâm tư, vướng mắc.
Về góc độ nhà nước, cần quản lý các sản phẩm truyền thông, clip trên diễn đàn mạng xã hội; tương tác thông tin để các đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý những thông tin, sản phẩm thiếu chuẩn mực. Đặc biệt, có cách truyền thông hấp dẫn và mức độ nhiều hơn về những gương người tốt việc tốt.
“Cách truyền thông người tốt việc tốt chưa đủ. Người tốt việc tốt nhiều nhưng chỉ xuất hiện một hai lần rồi nhanh chóng chìm đi, trong khi những nhân vật như giang hồ mạng lại luôn làm mới mình, xuất hiện dày đặc. Muốn át được những cái xấu, việc truyền thông người tốt việc tốt phải dày hơn, hấp dẫn hơn”.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà