Xác định nhân chứng giờ phút lịch sử - Kỳ cuối

TP - "Những chi tiết liên quan đến sự kiện lịch sử có thể phải được nhận thức khác. Đây là việc làm rất bình thường của sử học", ông Dương Trung Quốc,Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam cho biết.
Chính ủy Bùi Tùng (trái) chụp ảnh cùng nhà báo Bô rít Glats  (Tây Đức) tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

-- >> Kỳ I: Những cựu binh xe tăng 390 nói gì?

-- >> Kỳ II: Bản gốc “Lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh” được phục dựng lại?

-- >>Kỳ III: Trung tướng Phạm Xuân Thệ: “Tôi chỉ nói những gì mình đã tham gia”

Việc Tạp chí Xưa & Nay do ông là Tổng Biên tập đặt lại vấn đề trên cơ sở công bố một số kiến nghị của những nhân chứng có liên quan, đặc biệt là của 4 cựu binh xe tăng 390 có thể mang đến một kết luận khác chưa?

Sự kiện chỉ diễn ra một lần, còn nhận thức về nó là một quá trình. Sự kiện diễn ra trong ngày 30/4/1975 với ý nghĩa sự kết thúc toàn thắng của một cuộc chiến tranh có tầm vóc lịch sử của dân tộc Việt Nam vẫn nguyên vẹn.

Nhưng những chi tiết liên quan đến sự kiện ấy có thể phải được nhận thức khác so với những kết luận của các đồng nghiệp của chúng tôi bên Viện LSQSVN. Đây là việc làm rất bình thường của sử học.

Sự đặt lại vấn đề này bắt đầu từ những kiến nghị của một số “người trong cuộc”?

Một phần là như vậy. Giá trị đầu tiên của lịch sử là sự công bằng. Mọi tư liệu lịch sử phải được đánh giá một cách khách quan. Mọi nhân chứng phải được khai thác đầy đủ.

Việc ông Bùi Tùng chưa thật “tâm phục khẩu phục” đối với những kết luận phải được tôn trọng, ít nhất như một sự bảo lưu. Ví như một công trình công bố lịch sử phải ghi lại quan điểm ấy trong một ghi chú kèm theo.

Người đời sau có thể lại lần đi từ những chi tiết ấy. Việc những chiến sĩ xe tăng 390 chưa được tham khảo ý kiến là một khoảng trống chưa được lấp đầy. Nói cách khác cần tôn trọng sự tham dự của mọi nhân chứng...

Chính nhờ sự tôn trọng một cách khách quan ngay từ đầu đối với các nguồn tư liệu và các nhân chứng mà những kết luận đưa ra sẽ gần với sự thật hơn và nặng tính thuyết phục hơn.

Hơn thế nữa, không khi nào có “kết luận cuối cùng trong nhận thức lịch sử”  được. Chúng tôi chỉ đưa ra những thông tin chưa được đề cập tới (của những nhân chứng) và nêu một số băn khoăn (tính thuyết phục) của một số chi tiết mà các đồng nghiệp bên Viện LSQSVN đã coi như lời kết luận.

Thâm tâm tôi mong muốn các bạn bên Viện LSQSVN đừng khép lại một vấn đề mà chính các bạn đã mở ra.

Tạp chí Xưa & Nay dành một số trang khá lớn cho hồi ức của ông Nguyễn Hữu Hạnh, phải chăng đó là một nguồn sử liệu quan trọng?

Hồi ức là một nguồn sử liệu có giá trị. Trong lịch sử chiến tranh, hồi ức của “phía bên kia” lại có giá trị riêng của nó, góp phần thẩm định những nhận thức lịch sử của “phía bên này”.

Nhất là ông Hạnh tuy chỉ chứng kiến những gì diễn ra bên Dinh Độc Lập nhưng quan hệ gắn bó của ông với các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu (đều đã khuất) có thể có được những hiểu biết mà những nhân chứng khác không thể có được.

Ông còn sống đã là quý, ông còn minh mẫn lại càng quý hơn. Tôi lấy làm tiếc là ông Hạnh có một bài tham luận có giá trị, nhưng lại không được in vào tập kỷ yếu của một cuộc hội thảo lớn nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam (năm 2005), nên tôi cho đăng đầy đủ hơn để nhiều người (và đời sau) được tham khảo.

Trở lại với những chi tiết mà những bạn đọc của chúng tôi quan tâm là xác định hành trạng của “những người trong cuộc”, tại sao lại mỗi người nói một khác,  mỗi lúc sự việc lại một khác vậy?

Đó là điều đáng buồn trước hết cho giới sử học chúng tôi. Lẽ ra ta cố làm sớm khi nhân chứng còn nhiều, tư liệu còn đầy đủ... Thú thật, để 30 năm sau, lật đi lật lại xem một trong hai người, ai nói đúng, ai nói sai là điều bất đắc dĩ.

Tôi xót xa khi nghe mấy bạn trẻ theo dõi việc chúng ta đang làm bình luận rằng có một trong hai người là không nói thật.

Tôi nhớ mãi cái hôm tôi cùng nhà làm phim Phạm Việt Tùng đến Viện LSQSVN, dễ cách đây đã 10 năm, để anh Tùng trình bày ý định làm bộ phim để xác lập lại chi tiết chiếc xe tăng 390 đã đột nhập đầu tiên vào bên trong Dinh Độc Lập nhờ tư liệu của nhà báo Pháp De Mulder và một số đoạn phim được sưu tầm.

Một đồng nghiệp chuyên nghiên cứu giai đoạn lịch sử này đưa ra quan điểm: Về đại cục ta thắng địch thua, thì chi tiết chiếc xe này hay xe khác đều của quân ta cả cái nào vào trước, cái nào vào sau chỉ là tiểu tiết, nói đi nói lại làm gì.

Tôi đã trả lời rằng: Lúc này đúng là như vậy. Nhưng giả dụ 100 năm sau, cháu chắt ta, chúng giỏi hơn ta, chúng nhiều phương tiện hơn ta, chúng phát hiện rằng ta nói dối (biết mà không nói) thì chúng không chỉ đặt câu hỏi vào cái chi tiết là cái xe tăng nào, mà chúng có thể đặt cả một câu hỏi lớn vào toàn bộ cái lịch sử mà chúng ta trao chuyền cho chúng, vào cả cái sự nghiệp mà thế hệ chúng ta đã làm...

Do vậy, bàn tiếp vấn đề này cho thấu đáo phải coi là chuyện bình thường của giới sử học. Cho dù kết luận cuối cùng không làm thay đổi kết luận của Viện LSQSVN đi nữa thì cuộc trao đổi này cũng vẫn có ích.

Còn nếu nó làm thay đổi cái đã kết luận thì lại càng có ích chứ sao! Nghề làm sử của chúng tôi luôn đòi hỏi như vậy. 

Xin cảm ơn ông.

Kiến Nghĩa (thực hiện)

Thay lời kết

Loạt bài “Xác định nhân chứng giờ phút lịch sử có một không hai của dân tộc” đã đưa những ý kiến hai chiều của các nhân chứng lịch sử và nhà chuyên môn liên quan đến một số chi tiết quan trọng vào thời điểm kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Trong ý kiến của các nhân chứng, đã xuất hiện những thông tin đáng chú ý, đặc biệt là những nội dung được nêu trong bản Kiến nghị của các cựu binh xe tăng 390, những người đầu tiên của quân giải phóng có mặt tại Dinh Độc Lập.

Vấn đề ở đây cần xác định rõ: Sau khi xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, những người lính này xuống xe và vào Dinh ngay hay ngồi lại trong xe để sau mới xuống.

Đề nghị Viện LSQSVN cần nghiên cứu rõ hơn về vấn đề này vì cho đến giờ, các cựu binh xe tăng 390 vẫn khẳng định họ đã vào trong Dinh Độc Lập và trực tiếp chứng kiến việc ông Bùi Tùng chỉ huy việc bắt Nội các Chính quyền Sài Gòn và đưa Tổng thống Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng.

Đồng thời, một nội dung đáng quan tâm nữa là ngay sau khi Viện LSQSVN công bố kết quả nghiên cứu, ông Bùi Tùng vẫn tiếp tục khẳng định việc soạn thảo Lời đầu hàng cho Dương Văn Minh là của mình - cũng nên được tiếp tục xem xét.

______