Theo Beijing News, trong cuộc họp báo tổ chức sáng nay tại Nam Xương, thủ phủ tỉnh Giang Tây, nhóm các nhà khảo cổ học chính thức xác nhận tổ hợp mộ cổ tìm thấy ở đây chính là mộ của Lưu Hạ, cháu trai Hán Vũ Đế.
Hán Vũ Đế là hoàng đế thứ 7 đời nhà Hán, cai trị trong 54 năm (140-87 TCN), được đánh giá là minh quân, đã làm nhiều việc củng cố nền cai trị và mở cửa ra bên ngoài.
Ông truyền ngôi cho Hán Chiêu Đế, nhưng hoàng đế này qua đời ở tuổi 21 mà không có người nối dõi, buộc các đại thần phải đưa cháu nội của ông là Lưu Hạ lên làm vua năm 74 TCN. Sử sách khi chép rằng Lưu Hạ cùng các thủ hạ ăn chơi sa đọa, không lo việc triều chính. Sau 27 ngày tại vị, Lưu Hạ bị các đại thần truất ngôi và được gọi là Áp Hầu vùng Hải Hôn. Ông này qua đời năm 59 TCN, thọ 33 tuổi.
Các nhà khảo cổ học cho biết, tổ hợp mộ ở Nam Xương có 8 ngôi, trong đó ở ngôi mộ chính có quan tài chứa hài cốt của hoàng đế thứ 9 đời nhà Hán, được xác định bằng ngọc tỷ (con dấu) màu trắng khắc chữ "Lưu Hạ", đặt bên hông hài cốt.
Đồng xu vàng rải dưới hài cốt Lưu Hạ. Ảnh: QQ.
Ngoài ra, phía dưới hài cốt có nhiều đồng xu vàng khắc chữ, mặc dù không còn nguyên vẹn, nhưng một số chữ vẫn đọc được, trong đó có những chữ quan trọng như "hạ thần Hải Hôn Hầu, Nam Hải ... Nguyên Khang". Theo đó, chữ "hạ" chỉ rõ đó là Ấp Hầu vùng Hải Hôn đời thứ nhất Lưu Hạ, còn chữ "Nguyên Khang" là niên hiệu thời Hán Tuyên Đế Lưu Tuân.
Lưu Tuân là cháu đời thứ 4 của Hán Vũ Đế, vị vua thứ 10 của nhà Hán, lên ngôi sau khi triều thần dâng thư lên thái hậu phế truất Lưu Hạ, trị vì 25 năm (năm 74-49 TCN).
Ngoài ra, trong mộ còn có một bản tấu chương bằng gỗ, do Hải Hôn Hầu và phu nhân viết dâng lên hoàng đế và hoàng thái hậu. Trên đó vẫn lưu lại nhiều ký tự rõ ràng như "hạ thần Hải Hôn Hầu", "bệ hạ", "trình thái hậu bệ hạ", "tháng sáu năm Nguyên Khang thứ tư".
Chữ viết trên bản tấu chương bằng gỗ. Ảnh: QQ.
Tổ hợp mộ của Lưu Hạ được khai quật từ hơn 5 năm trước.Các nhà khảo cổ học đánh giá đây là quần thể mộ hoàn chỉnh được bảo tồn tốt nhất từng được phát hiện. Sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia đã khai quật được hàng chục nghìn món đồ bằng vàng, đồng, sắt, ngọc bích, thẻ gỗ, thẻ tre, hơn 10 tấn tiền xu bằng đồng, hàng chục kg tiền vàng.
Chính quyền Trung Quốc đã xếp hạng quần thể mộ này là di tích trọng điểm bảo tồn cấp quốc gia, đồng thời phê chuẩn kế hoạch xây dựng bảo tàng ở khu vực này, thúc đẩy công tác nghiên cứu khảo cổ và phát triển du lịch ở tỉnh Giang Tây.