Đi trước một bước
Tại xã Phong Hải, những cán bộ tuổi xế chiều vẫn hằng ngày lên huyện dùi mài tin học để theo kịp yêu cầu chung của địa phương.
Cuối tháng 10, trang thông tin điện tử (TTĐT) Phong Hải ra đời (http://phonghai.thuathienhue.gov.vn), trở thành website cấp xã đầu tiên và duy nhất tại tỉnh TT-Huế tính đến thời điểm hiện nay. Nơi tiên phong xây dựng trang TTĐT gây được nhiều chú ý trong và ngoài nước lại là xã vùng biên giới hải đảo xa xôi. Không chỉ vậy, ở Phong Hải còn có những bước đi trước khó tin khác...
Khi nhiều công sở cấp tỉnh còn chưa đưa mạng điện thoại nội bộ vào ứng dụng, thì từ lâu tại Phong Hải, cả hệ thống cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã áp dụng tiện ích công nghệ viễn thông vào việc chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động của địa phương. Người khởi xướng là ông Nguyễn Viết Từ, Chủ tịch UBND xã.
Có người cho rằng, nếu trụ sở xã không đặt biển và tọa lạc ở đâu đó trên thành phố, chắc không ít người nhầm đây là cơ quan cấp tỉnh, bởi sự hiện đại và đồng bộ về trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống vi tính, điện thoại, mạng internet và cách ứng dụng, khai thác tiện ích CNTT, viễn thông của đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây.
“Có mạng điện thoại nội bộ và kết nối internet, việc liên thông xử lý công việc giữa các phòng ban trở nên cơ động hơn, đỡ tốn thời gian qua lại báo cáo trao đổi thông tin”, ông Phan Khánh, Phó chủ tịch UBND xã, nói.
Trước khi áp dụng mạng điện thoại nội bộ, nhiều năm qua, Chủ tịch xã Nguyễn Viết Từ bắt buộc tất cả cán bộ, nhân viên ủy ban dùng mạng máy tính nội bộ (LAN) để kết nối, báo cáo, chia sẻ thông tin. Tất cả máy vi tính ở cơ quan xã đều kết nối internet.
Hiện nay, trong đội ngũ hàng chục cán bộ, nhân viên xã Phong Hải, chỉ còn vài người lớn tuổi chưa rành vi tính. Số này đang miệt mài lên huyện nâng cấp trình độ tin học. Đây cũng là tiêu chí xét thi đua cuối năm đối với cán bộ, đảng viên trong xã.
Ông Hoàng Hùng Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã, bày tỏ: “Tôi là cán bộ duy nhất của xã và lớn tuổi nhất tham gia học vi tính trên huyện khóa này. Mình cần biết vi tính để phục vụ tốt công việc. Giữa tháng 12, tôi hoàn tất khóa học”.
Không chỉ bắt buộc ứng dụng mạng LAN, cán bộ, nhân viên và các bộ phận chức năng ở UBND xã Phong Hải còn phải biết dùng thư điện tử phục vụ công việc. “Đi công tác xa, điều kiện trang bị laptop chưa có, anh em cài luôn e-mail vào điện thoại di động để cơ động xử lý, phản hồi, báo cáo công việc.
Có thư điện tử, chỉ cần một cú nhấp chuột, văn bản được chuyển ngay tới cơ quan chức năng, thay vì trình gửi qua hàng chục cây số như trước đây”, ông Từ cho biết. Dạo trước, về xã nắm tình hình nuôi tôm trên cát, một vị cán bộ tổng hợp vừa mới vào chuyện đã hỏi ngay địa chỉ thư điện tử để tiện gửi tài liệu tham khảo.
Lần đầu gặp ông chủ tịch xã luống tuổi với vẻ bề ngoài mộc mạc, da sạm đen cháy nắng miền biển, khó ai hình dung đây là người tiên phong ứng dụng Công nghệ thông tin, viễn thông vào việc xã. Chẳng biết từ lúc nào, lớp trẻ địa phương gọi ông Từ là chủ tịch xã pờ-rồ (chuyên nghiệp).
Tiết kiệm nhiều thời gian
Nhắc chuyện website cấp xã độc nhất vô nhị tính tới thời điểm này tại TT-Huế, ông Từ trải lòng: “Mình thấy việc gì có lợi cho dân, cho tập thể thì nên làm thôi, chứ chơi trội, chơi sang gì đâu. Khi lập trang web, tập thể xã đồng tình cao lắm. Dân cũng rất ủng hộ. Rồi mình cứ theo định hướng của trên mà làm, chứ không ai bắt buộc”.
Ông Từ và tập thể xã kỳ vọng, thông qua cổng TTĐT, cung cấp kịp thời đến dân thông tin về các chủ trương, chính sách mới, góp phần đáp ứng xu thế hội nhập, cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, nâng cao chất lượng phục vụ dân bằng ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy dân chủ, quảng bá tiềm năng, thế mạnh địa phương, thu hút đầu tư, tuyên truyền về xã điểm nông thôn mới, xây dựng đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới…
Xã Phong Hải được biết đến là vùng quê gió cát có thứ nước mắm Đảnh Vân thơm nhức mũi xuất khẩu tới nhiều nước. Nơi đây còn nổi tiếng là thủ phủ của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, thu lợi tiền tỷ mỗi năm.
Nhớ lại thời điểm khởi xướng trang web xã, ông Từ kể: “Hồi tháng 8, khi đích thân đi liên hệ làm các thủ tục tổ chức lễ hội cầu ngư kết hợp quảng bá sản phẩm văn hóa, kinh tế xã hội địa phương ra mọi nơi, tôi cứ thấy thiêu thiếu cái gì đó. Rồi ý định lập trang web khởi ra”.
Sau chưa đầy một tháng chuẩn bị nhiều khâu, từ xin giấy phép, tên miền, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế giao diện, tổ chức đội ngũ, tập huấn nghiệp vụ biên tập và kỹ năng đăng tải thông tin hình ảnh…, cổng TTĐT Phong Hải sớm ra mắt. Qua hơn 1 tháng vận hành, website đạt lượng truy cập trên 8.500 lượt.
Các loại thủ tục trên nhiều lĩnh vực thông qua mạng điện tử và bộ phận một cửa được giải quyết chóng vánh. Cán bộ xã thường xuyên nhận được ý kiến từ các nơi trong nước, ngoài nước góp ý, chia sẻ và đặt vấn đề học hỏi kinh nghiệm làm website của địa phương. Khảo sát của UBND xã cho thấy, số hộ dân nối mạng internet trong xã tăng trên 40%.
Tiện ích từ cổng TTĐT xã Phong Hải được dân ghi nhận. “Trước đây, làm thủ tục gì ở xã, dân tụi tui phải đến các bộ phận chức năng chờ hướng dẫn, xử lý mất nhiều thời gian. Vừa rồi, làm bộ hồ sơ hộ tịch, sau khi ngồi nhà tham khảo qua mạng rồi mới đến xã qua bộ phận một cửa, tui mất rất ít thời gian để hoàn tất các giấy tờ thủ tục. Không riêng tui, nhiều người dân trong xã cũng được hưởng lợi như thế.
Thậm chí, qua trang mạng xã nhà, tụi tui còn biết hôm nay các ông chủ tịch, phó chủ tịch xã làm gì, đi đâu”, ông Trần Thuận chia sẻ. Một Việt kiều Mỹ tên Phương truy cập vào trang mạng xã Phong Hải để tìm hiểu thủ tục làm lại giấy khai sinh thất lạc mấy chục năm trước. Ông viết rằng mình rất tâm đắc về những bước cải cách hành chính và sự đổi thay nhiều mặt của quê nhà.