“Số dân thường thiệt mạng đã lên tới 330 người và 3.200 người bị thương kể từ khi các cuộc đụng độ nổ ra", Tass dẫn lời Ahmed Al-Mandhari, Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO cho biết.
Trước đó cùng ngày, Ủy ban Bác sĩ Sudan báo cáo ít nhất 198 dân thường đã thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.
Căng thẳng ở Sudan leo thang do bất đồng giữa chỉ huy quân đội Abdel Fattah al-Burhan, người đồng thời đứng đầu Hội đồng Chủ quyền (cơ quan quản lý nhà nước), và cấp phó của ông trong hội đồng, Mohamed Hamdan Dagalo, người đứng đầu RSF. Các cuộc giao tranh đã nổ ra vào ngày 15/4 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong diễn biến mới nhất, quân đội Sudan tuyên bố đã kiểm soát toàn bộ lãnh thổ nước này, trừ thủ đô Khartoum. RSF chưa lên tiếng về thông tin này. Chỉ huy RSF Mohamed Hamdan Dagalo cho biết lực lượng đã mất hơn 60 binh sĩ trong các cuộc đụng độ với quân đội Sudan.
Những vụ nổ và tiếng súng vẫn được báo cáo ở Khartoum. Nạn cướp bóc đã bắt đầu xảy ra trong thành phố. “Chúng tôi liên tục nghe thấy tiếng đạn, tiếng nổ. Thật kinh khủng", một cư dân Khartoum nói với Tass qua điện thoại. "Không an toàn khi di chuyển quanh thành phố. Nạn cướp bóc đã bắt đầu."
Một người đàn ông khác nói rằng thành phố Khartoum "thiếu nước, điện và nhiên liệu". Theo ông, nhiều cư dân đang cố gắng di chuyển "đến các vùng khác của đất nước, đến một nơi an toàn hơn."
Người dân cũng ghi nhận tình trạng thiếu thuốc men và vật tư y tế trầm trọng. "Nhân viên y tế và hầu hết các bệnh viện đã ngừng hoạt động vì thiếu thuốc, nước, điện và nhiên liệu", một nhân chứng nói.
Đã có sự cố mất sóng điện thoại di động và Internet. Cư dân gặp khó khăn khi liên lạc với người thân.