Vượt qua tư duy nhiệm kỳ, chống cát cứ, chia cắt

TP - Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, tư duy lợi ích cục bộ là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng gửi gắm tại phiên họp.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình

Nhìn lại giai đoạn 5 năm qua, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá, xuất khẩu từ FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vẫn chiếm từ 70% trở lên, đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị xuất khẩu công nghiệp. Vậy trong 5 năm tới, cục diện có được thay đổi không, trong khi khu vực tư nhân vẫn đang trong giai đoạn hồi sức thì khu vực FDI không ngừng mở rộng giữa cơn bão đại dịch? Ông Nhân đề nghị Chính phủ làm rõ kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế khác biệt gì so với các chiến lược, kế hoạch đã được phê duyệt trước đó.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hữu Hậu (Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam) đề nghị các địa phương không “sao chép” các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn máy móc. Theo ông, cần tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, từ đó đưa ra biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực cho các ngành, địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh, bền vững.

"Về giải pháp, chúng tôi chỉ nhấn mạnh một điều là tất cả các bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình; phải vượt qua được các tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành để chống cát cứ, chia cắt. Phải tính đến lợi ích tổng thể của nền kinh tế, tính đến liên vùng, liên ngành, từ đấy chúng ta mới giải quyết được. Chứ nếu chúng ta đi theo từng phân khúc, chia cắt ra thì rất khó mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế”.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu) đề nghị: “Nên thiết kế các nhiệm vụ cụ thể hơn cho từng vùng, gắn với bố trí nguồn lực ngân sách, thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển chung”.

Đối với việc ứng phó với đại dịch COVID-19, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị nâng cao chất lượng dự báo để ứng phó phù hợp khi xây dựng kế hoạch, đặc biệt trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ông Tuấn đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho ngành Y tế, đặc biệt là y tế cơ sở để thích nghi an toàn với dịch, đồng thời ưu tiên nghiên cứu sản xuất sinh phẩm, vắc xin thay vì phải nhập nhiều loại test kit, máy thở.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng việc phân bổ nguồn lực đang mất cân đối, có những vùng chưa được đầu tư thỏa đáng. Điều đó dẫn tới nền kinh tế thiếu các trụ cột để tạo sự phát triển bền vững.

Trước những biến động thế giới có khả năng tác động đến lạm phát của Việt Nam thời gian tới, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn. “Tôi kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh. Chúng ta vẫn còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, GTGT, phí bảo vệ môi trường? cần phải được sử dụng», đại biểu Ngân nêu.