Vượt chi ngân sách hơn 108 nghìn tỷ đồng năm 2014

TPO - Quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 là 1.350.272 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.114.767 tỷ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỷ đồng) so với dự toán.               
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải

Các dự án đầu tư: Đụng đâu sai đó

Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 1.130.609 tỷ đồng, trong đó thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là  877.697 tỷ đồng, tăng 12,1% (94.997 tỷ đồng) so với dự toán. Ngược lại, quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 là 1.350.272 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.114.767 tỷ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỷ đồng) so với dự toán.         

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực UBTCNS, một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, giao dự toán chi đầu tư phát triển không phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư ngoài nước chưa phù hợp... nên khi thực hiện nhiều khoản chi vượt dự toán hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí nhưng ngược lại có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí, giải ngân nguồn vốn ODA tăng cao, gây mất cân đối NSNN.

Theo Uỷ ban thẩm tra, việc chi đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Hầu hết các dự án đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm. Tình trạng chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về đấu thầu diễn ra khá phổ biến trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, quá trình đầu tư đến hoàn thành quyết toán đưa vào sử dụng.

Xử lý sai phạm chưa nghiêm

Uỷ ban TCNS cho rằng, việc xử lý sai phạm còn chưa nghiêm, áp dụng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên tính răn đe chưa cao, tái phạm với mức độ lớn. Điển hình, không ít công trình ở nhiều địa phương chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư hạn chế, phải thay đổi quy mô, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, nên không thể giải ngân theo kế hoạch vốn được giao hoặc kế hoạch vốn được giao nhưng chưa phân bổ được, thời gian thực hiện kéo dài gây lãng phí và kém hiệu quả.

Các công trình dự án cũng chưa thực sự chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư như: chưa phân bổ, tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách theo trật tự ưu tiên để hoàn thành đúng thời gian quy định; phân bổ vốn không hợp lý dẫn đến một số dự án phải chuyển nguồn lớn, trong khi một số dự án quan trọng lại thiếu vốn để hoàn thành và nợ vốn XDCB lớn.

Ban thẩm tra cũng chỉ rõ, số tiền chi ứng trước dự toán theo chế độ nhưng chưa thu hồi trong năm ngân sách còn lớn và tỷ lệ được giải ngân thấp; dự án hết thời gian thực hiện hợp đồng nhưng chưa thu hồi vốn ứng, trong đó có cả dự án đã đưa vào diện giãn hoãn đầu tư.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), số ứng trước kế hoạch vốn từ NSTW cho các dự án còn phải thu hồi là 81.707,5 tỷ đồng bằng 50,1% kế hoạch vốn đầu năm 2014 và tăng 14.522,7 tỷ đồng so với năm 2013; một số địa phương còn tình trạng cho vay, tạm ứng sai quy định hoặc kéo dài nhiều năm chậm thu hồi. Thường trực UBTCNS đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, nợ đọng trong đầu tư XDCB còn lớn và chưa được quan tâm đúng mức từ trung ương đến không ít địa phương. Đến nay, Chính phủ chưa tổng hợp và báo cáo đầy đủ số nợ đọng XDCB, vì vậy, chưa có cơ sở để đánh giá.

Theo báo cáo của KTNN, qua kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số địa phương nợ XDCB là 16.736tỷ đồng, trong đó các xã đạt chuẩn nông thôn mới nợ 4.448 tỷ đồng. Thường trực UBTCNS đề nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm và chỉ đạo để công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Uỷ ban Tài chính cũng chỉ rõ, một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Thường trực UBTCNS nhận thấy trong 8 lĩnh vực chi thường xuyên, có 4 lĩnh vực không đạt dự toán; một số khoản chi quan trọng trong dự toán được Quốc hội quyết định mặc dù đã có tiến bộ nhưng nhiều năm thực hiện vẫn không đạt dự toán như: chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề bằng 99,8% dự toán; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ bằng 91,5% dự toán, cần sớm được khắc phục.

Rồi tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn nhiều nhưng chưa được khắc phục triệt để. Một số văn bản pháp luật về quản lý NSNN còn chưa rõ ràng, bất cập nên khó khăn trong thực hiện. Một số địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí, sử dụng nguồn tăng thu, cải cách tiền lương, bổ sung có mục tiêu để bổ sung chi thường xuyên, chuyển nguồn không đúng quy định. 

Quyết toán chi nguồn vốn ngoài nước vượt dự toán được giao nhưng chưa bảo đảm điều kiện chi theo quy định dẫn đến bội chi NSNN tăng khá lớn. Chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương vẫn còn rất lớn làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN: Chi chuyển nguồn năm 2014 sang năm 2015 là 235.506 tỷ đồng tăng so với năm trước 45.949 tỷ đồng; kết dư ngân sách địa phương năm 2014 là 40.482 tỷ đồng giảm 2.641 tỷ đồng so với năm trước.

Qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2014, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, cụ thể: kiến nghị tăng thu đối với niên độ NSNN năm 2014 là 8.565,6 tỷ đồng; giảm chi 5.562 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm 2.238,5 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 3.363,3 tỷ đồng; các khoản xử lý khác 134,1 tỷ đồng. Ngoài các vấn đề về tài chính, KTNN còn phát hiện và kiến nghị nhiều vấn đề về hạn chế, bất cập của chính sách hiện hành.

Trước thực tế trên, Thường trực UBTCNS đề nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý thu, chi NSNN đã và đang tồn tại nêu trong Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2014 của KTNN cùng một số tồn tại, hạn chế như đã trình bày ở phần trên.