Trong thời gian 2 năm thương lượng gia hạn hợp đồng xử lý rác cho thành phố San Jose, CWS đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh khốc liệt giành lấy “miếng bánh” trước sự nhòm ngó của nhiều đối thủ có số má.
Theo ông David Dương, CWS nhận thu gom phế liệu chiếm tổng số lượng rác khoảng 80% và cũng là công ty duy nhất của người châu Á. Các công ty còn lại là của người Ý (châu Âu), tất cả điều có số má trong lĩnh vực xử lý rác thải.
Vua rác David Dương cho biết, tại thành phố San Jose có 4 công ty kết thúc hợp đồng xử lý rác vào năm 2021. Để tiếp tục xử lý rác cho thành phố, các công ty phải tham gia đấu thầu lại. Trong đó Công ty California Waste Solutions không ngoại lệ.
Khoảng thời gian thương lượng, đấu thầu nghẹt thở tại xứ cờ hoa, ông David Dương cho rằng nó rất gay cấn, nghẹt thở đến phút cuối. Trong đó, CWS nhận thấy đối thủ chơi xấu mình. Họ cố tình tạo hồ sơ xấu cho công ty, để loại khỏi “sàn đấu”.
"Vua rác" David Dương nhớ lại: “Nhờ thông tin nội bộ, tôi phát hiện ra đối thủ có quan hệ rất thân thiết với gia đình ông thị trưởng thành phố từ xưa tới giờ, vì thế họ cố tình tìm cách đánh rớt CWS để giành hợp đồng cho đối thủ”.
Sức nóng tăng lên trong khoảng thời gian hai năm thương lượng gia hạn hợp đồng, mỗi tháng phải họp vài lần. Nội dung họp, chính quyền thành phố không nói gì ngoài đề nghị phí thu gom rác phải rẻ hơn hợp đồng cũ.
Họ muốn tiết kiệm chi phí xử lý rác nên yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn phục vụ, thành phần rác thu gom…Theo quy định, người dân phải phân loại rác tại nguồn thì nhưng họ “làm ngơ” cho phép người dân bỏ rác vào thùng lẫn lộn, không cần phân loại. Dĩ nhiên, khi rác lẫn lộn như thế thì chi phí CWS bỏ ra thu gom, xử lý phải cao.
Ông David Dương nói thêm rằng nếu như lúc trước có chương trình, mỗi năm một nhà thường được bỏ ba món đồ cũ loại lớn, cồng kềnh như tủ lạnh, giường, ghế salon…và công ty CWS có trách nhiệm thu gom.
Đến năm thứ hai, thành phố thông báo với người dân là bây giờ mỗi nhà muốn vứt bỏ bao nhiêu cũng được, bỏ bất cứ lúc nào nếu thấy cần thiết.
“Họ thay đổi mà không thông báo cho công ty trước để chuẩn bị. Trong khi người dân thấy… quá đã, thế là họ dọn hết kho, gara tìm đồ cũ vứt bỏ ra”, ông vua rác cho biết. Hằng ngày, công ty nhận rất nhiều cuộc gọi yêu cầu đến thu gom rác. Trong khi xe thu gom chuyên dụng, nhân lực…phục vụ không xuể.
Dựa vào lý do này, thành phố làm báo cáo về việc dân gọi công ty trả lời không kịp, phục vụ không tốt… Chi phí thu gom rác cao hơn so với các công ty rác. “Vì vậy, khi đưa ra hội đồng thành phố xem gia hạn hợp đồng thì mình bị đánh rớt”, ông David Dương nhớ lại.
Không chấp nhận “cuộc chơi” thiếu công bằng, ông David Dương đã tìm cách phản biện lại, chứng mình rằng suốt 13 năm qua công ty đã phục vụ cho người dân rất tốt. Khoảng thời gian này, chưa từng bị người dân phàn nàn về chất lượng phục vụ trong số 170.000 hộ dân mà công ty phục trách gom rác.
“Tại sao đùng cái làm không tốt? Các vị phải coi lại nguyên nhân vì sao chứ? Đó là lỗi của quý vị, thay vì phải làm việc trước với chúng tôi về chính sách mới này để chuẩn bị xe, nhân lực…”, ông David Dương chất vấn.
Đứng trước ‘cuộc chiến’ không cân sức, vua rác David Dương đã tìm đủ mọi cách để chống lại. Từ vận động cộng đồng người Việt (chiếm đến 11% dân số ở San Jose), vận động tiểu bang Cơ quan bảo vệ dân tộc thiểu số, Cơ quan bảo vệ công bằng cho thương gia…để họ thấy trong cuộc cạnh tranh này có sự bất công, lên tiếng ủng hộ CWS.
“Lấy được đã khó, giữ nó càng khó hơn, vì vậy trọng công việc chúng tôi cố gắng thực hiện tốt những cam kết với thành phố. Chúng tôi không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng”
Kết quả ban đầu chưa phải là ca khúc khải hoàn nhưng đủ để VWS thừa thế xông lên. “Dĩ nhiên thành phố không giao ngay cho CWS hợp đồng, vì như thế là họ thừa nhận sai. Họ giao cho công ty về điều đình lại giá cả, tiêu chí phục vụ với Sở Tài nguyên môi trường thành phố trong 30 ngày”, ông David Dương vui mừng nói.
Nhớ lại cạnh tranh bất bình đẳng này, ông David Dương cho rằng còn có rất nhiều tình tiết gây cấn không thể nói hết trong quá trình thương lượng. “Dù họ làm sai, nhưng tôi không muốn thưa kiện, vì tôi muốn giữ hợp đồng này. Nó là chân đứng của chúng tôi, là sự khẳng định về khả năng của người Việt trong các hợp đồng lớn ở Mỹ. Thời gian gia hạn cho 15 năm tới khoảng 800 triệu USD. Ở San Jose, hợp đồng lớn nhất cũng chỉ từ 1 đến 2 triệu USD”, vua rác David Dương tự hào nói.
Từ đây, công ty VWS chấp nhận tiếp tục phục vụ trong một năm tới với sự giám sát của một cơ quan độc lập thứ ba. Đây là thời gian thử thách để hội đồng thành phố xem xét có gia hạn hợp đồng mới hay không.
“Không có gì khó khăn với chúng tôi cả, vì chúng tôi đã làm tốt việc này cả bao nhiêu năm rồi. Tuy nhiên, tôi biết có một cách họ sẽ làm khó tôi”, ông David lường trước sự khó khăn sắp tới.
Ông David Dương cho biết, thùng rác tại thành phố có hơn 90% nắp thùng không tự động đậy lại. Sau khi thu gom rác, tài xế phải bước xuống đóng lại nắp từng thùng. Nếu không đóng nắp thùng rác thì sẽ bị phạt. Quy định của họ là phạt 100USD/thùng rác nếu để nắp thùng rác mở. Trong ba tháng không được phạt quá 7.500 USD.
“Mình lo làm tốt những cam kết của mình. Trong đó, chất lượng phục vụ khách hàng và cả…cái nắp thùng rác”
Để giải quyết vấn đề này, CWS đã liên hệ một nhà sản xuất thiết kế thêm một càng lò xo gắn trên xe, khi thùng rác bỏ xuống thì chiếc càng này đẩy nắp thùng rác đóng lại. Chưa hết, ông David Dương kể tiếp một câu chuyện vui khác. Đó là vào một ngày trước ngày hội đồng thành phố bầu, có một cú điện thoại gọi đến yêu cầu tới lấy đồ cồng kềnh trong nhà bỏ đi.
Công ty cho người tới lấy. Rất bất ngờ đó chỉ là một chiếc vali cũ. “Qua kiểm tra lại, chúng tôi mới phát hiện đây là địa chỉ nhà ông thị trưởng. Đích thân ông ấy đã thử thách xem nhân viên chúng tôi trả lời có chuyên nghiệp hay không, phục vụ có nhanh hay không”, ông David Dương nhớ lại.
Theo ông David Dương, khi gặp lại ông thị trưởng thành phố, ông đã hỏi về chất lượng phục vụ của công ty thế nào. Ông thị trưởng thành phố khen công ty rất chuyên nghiệp như lấy rác đúng ngày đúng giờ.
Tiếp câu chuyện thú vị này, ông David Dương hỏi tiếp ngài thị trưởng khiến ông này tỏ vẻ rất ngạc nhiên: “Chiếc vali đó chắc ông chưa muốn bỏ, nhưng ông đã phải làm để kiểm tra xem cấp dưới mình báo cáo có đúng hay không”.
Theo ông David Dương, bản thân luôn xem mình là dân tộc thiểu số tại Mỹ, muốn lấy được hợp đồng lớn tại đất nước này không dễ. “Họ muốn lấy lại hợp đồng của CWS để giao cho một công ty khác”, ông David Dương nói.
“Lấy được đã khó, giữ nó càng khó hơn. Thành ra chúng tôi luôn luôn coi trọng công việc. Cố gắng thực hiện tốt những cam kết với thành phố. Chúng tôi không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng”, ông David Dương nhấn mạnh.
Ông David Dương cho biết, tháng 4/2019 này, hợp đồng sẽ được đưa ra Hội đồng thành phố San Jose biểu quyết. “Tôi nghĩ sẽ không có trở ngại gì, hội đồng thành phố biểu quyết thông qua thôi”, ông David Dương hi vọng.
Trở lại các dự án lớn tại Việt Nam, ông David Dương cho biết, ngoài Khu xử lý chất thải Đa Phước mà công ty đang vận hành, VWS còn đầu tư dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh ở Long An với tham vọng biến nơi đây thành khu xử lý rác mang tầm cỡ cho TPHCM, Long An và các tỉnh lân cận.
Khu Công nghệ Môi trường Xanh rộng gần 1.800 ha tại Long An là nơi tiếp nhận và xử lý tất cả các loại rác như rác thải thông thường, chất thải công nghiệp nguy hại và không nguy hại, chất thải y tế, chất thải điện tử… Rác thải sau khi được xử lý sẽ được tận dụng để tái chế thành các sản phẩm hữu ích.
Trong giai đoạn 1 (từ năm 2025), Khu Công nghệ Môi trường xanh sẽ tiếp nhận, xử lý khoảng 30.000 tấn rác/ngày từ các tỉnh như TPHCM, Long An và một số tỉnh lân cận trong vùng. Khu Công nghệ Môi trường xanh được VWS đầu tư với số vốn ban đầu hơn 450 triệu USD.
Theo ông David Dương, việc đầu tư Khu Công nghệ Môi trường xanh tại Long An là để hiện thực lời hứa với người mẹ của ông. Ông từ Mỹ trở về Việt Nam mong muốn đóng góp cho quê hương đất nước, trong đó có tỉnh Long An.
“Nơi đây là quê hương của mẹ tôi. Bà năm nay đã 75 tuổi. Bà mong muốn nhìn thấy người con trai làm được điều gì đó cho quê hương. Chính vì vậy, tôi trở về đây để thực hiện đầu tư xây dựng dự án này”, ông David Dương cho biết.
Với một người trong ngành xử lý môi trường, ông David Dương thấy trách nhiệm của mình còn rất lớn. Gia đình, anh em, nhân viên của ông đang quyết tâm lớn hơn là làm bằng được trung tâm xử lý rác cho vùng với công nghệ hiện đại, mang tầm cỡ.
“Nếu thành công, mình sẽ cùng chính quyền làm một trung tâm ở miền Trung, miền Tây, để chính quyền các cấp thấy được hiệu quả xử lý rác với khối lượng lớn, chi phí giảm rất nhiều. Nếu làm được việc này rồi, tôi có thể… về hưu”, ông David Dương đặt tham vọng.
Vốn liếng, công nghệ đã sẵn sàng, chỉ còn chờ giải quyết thủ tục hành chính là khởi công xây dựng. Ảnh V.M
“Dự án Khu công nghệ môi trường xanh là ước muốn cuối cùng của cuộc đời tôi, quyết tâm làm không phải vì tiền, mà vì sứ mệnh của một người con xa xứ về Việt Nam cống hiến”, ông David Dương cho biết.