Vừa khép lại pho từ điển sống về Hà Nội

TP - Dững việc như thế này muốn kỹ càng cứ là phải hỏi ông Phúc... Nhà văn Tô Hoài dim mắt giọng khẽ khàng. Có lần bí xuất xứ một địa danh Hà thành, tìm đến cụ Tô Hoài thì cụ bật mí cho như thế. Ông Phúc là nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ông giáo dạy Pháp văn, dạy sử Nguyễn Vinh Phúc là người Hưng Yên nhưng lại thành danh ở đất Hà thành. Những giọt mồ hôi nhọc nhằn của việc khảo cứu Thăng Long đã bầu nên cái tên nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.

Mà cũng lạ, bao năm nay, hằng bao người đã đang và tiếp tục làm cái việc khảo cứu biên chép này khác về Hà Nội lại trội nổi lên một Nguyễn Vinh Phúc như thế? Chợt nhớ một lần lan man trước dịp ngàn năm Thăng Long, cụ bộc bạch Hà thành là một dải đất hấp dẫn, lôi cuốn.

Chả thế mới có câu đĩnh đạc trong Chiếu dời đô rằng đất này là nơi bốn phương tụ hội. Và thực tế là kinh đô nên tụ được tinh hoa về. Tài có cao, nghề có vững mới trụ lại được đất này. Dân viết lách như Nguyễn Du người Hà Tĩnh, Nguyễn Gia Thiều dân Bắc Ninh, Hồ Xuân Hương dân Nghệ...

Nhiều văn tài sau này cũng vậy, từ khắp nơi nhưng về Thăng Long - Hà Nội mới trở nên lừng lẫy. Cũng đúng như thế với nhiều chính khách, tướng lĩnh... Khi tôi vuột miệng rằng, Thăng Long chật ních nhưng không những có chỗ dung mà lại còn ấm thân cho anh giáo xứ Đông thành danh nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì cụ cười xua tay nào kể gì.

Cụ phân trần vui vẻ rằng cái danh nhà Hà Nội học chưa có một văn bằng chứng chỉ nào hết và cũng chưa bao giờ có đồng kẽm nào kèm theo, anh em quý mến phong cho thế thôi!

Ngồi hầu chuyện cụ, có người sẽ nghĩ qua cái giọng bình thản cố hữu của chủ nhân rằng cụ cũng chỉ nhung nhăng sưu tầm tìm hiểu về địa danh về nhân vật để làm phong phú thêm những bài giảng sử thôi chứ có chủ tâm nghiên cứu gì đâu!

Ấy nhưng hàng chục đầu sách, công trình ở tuổi bát tuần không phải là giời cho mà là kết tinh của những ngày gian nan, vất vả. Những sài sãi đạp xe, chài chải miệt mài biên chép ở các thư viện và hàng ngàn cuộc điền dã.

Những cứ liệu, những tìm tòi cùng là phát kiến và phương pháp trình bày lập luận về người về đất Thăng Long dường như đã nhuốm, đã mang hơi hướng của những công trình về sử, về văn, về dư địa chí. Trở lại cái lần đến quấy phiền cụ Tô Hoài về việc rất nhiều ý kiến (có cả thày dạy sử bậc đại học hẳn hoi) rằng địa danh Ba Đình có lẽ do thuở xưa ở chỗ ấy có... ba cái đình?

Cụ Tô Hoài cười ngất rằng tên ấy do ông thị trưởng Trần Văn Lai dưới trào Trần Trọng Kim lấy tên căn cứ Ba Đình của nghĩa quân Đinh Công Tráng ở Nga Sơn, Thanh Hóa đặt. Nhưng rồi cụ vẫn chỉ cho tôi đi hỏi thêm cụ Phúc cho ngọn ngành.

Cụ Tô Hoài hằng bao năm nay cũng là một thứ từ điển sống bởi cụ rành rẽ, thông thạo tên đất, tên người Hà thành như thế nhưng vẫn khiêm, vẫn nhường đất, nhường chỗ để người khác chỉ giáo cho lớp hậu sinh? Chao ôi, cái tình, cái khiêm cung cùng cách ứng xử của các đấng chữ nghĩa bao giờ cũng khiến đám hậu bối cứ là giật mình thon thót!

Quả là nghề này phải gọi ông này tiên sư... Cụ Phúc cũng kiến giải hệt cụ Tô nhưng cụ hé ra một cái phổ rộng hơn. Lại được ngộ ra bao thứ mang máng qua cái thở dài của cụ rằng, hiếm có một nhiệm kỳ chủ tịch thành phố (thị trưởng) ngắn ngủi như ông Trần Văn Lai.

Nhõn có một tháng mà đã để lại dấu ấn cho hậu thế nhiều việc trong đó có việc đặt tên đường Hà Nội mà vẫn bền đến tận bây giờ. Thời điểm ấy, hàng loạt đường phố đang mang tên thực dân hay có hơi hướng thực dân đã trở về với dân tộc.

Những đường đẹp nhất Hà thành như Briére de L’isle đã thành Hùng Vương, Carnot thành Phan Đình Phùng, Henri D’Orleans thành Phùng Hưng, Gambetta thành Trần Hưng Đạo, F. Garnier (mang tên viên quan ba Pháp chết trận ở Cầu Giấy) thành Đinh Tiên Hoàng...

Cụ còn nhiệt thành giới thiệu cho tôi gặp bà Dương Lan Hải, con dâu của cụ Trần Văn Lai, là nhà nghiên cứu sử, để tôi có thêm tài liệu để viết về vị thị trưởng Hà Nội đầu tiên là người Việt rất độc đáo này (Nhân thể cũng nói, mới trước Tết Nhâm Thìn, bà Dương Lan Hải có mời tôi đến dự buổi chung vui của gia đình nhân sự kiện UBND Thành phố Hà Nội quyết định đặt tên Trần Văn Lai cho một con phố ở Hà Nội).

Lần ấy, có ông nghiên cứu ở nước ngoài về hỏi tôi địa điểm Hội thề Đông Quan thời Lê Lợi nằm ở đâu? Chính sử đã chép, ngày 16 tháng 12 năm 1427, tại phía nam thành Đông Quan, bên bờ sông Nhị, một hội thề lịch sử đã diễn ra, gọi là hội thề Đông Quan.

Đây là một hình thức định ước đình chỉ chiến sự giữa nghĩa quân Lam Sơn và quân đô hộ nhà Minh. Lễ thề do chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn tổ chức, theo đó buộc quân Minh tuyên thệ rút hết về nước sau những trận đại bại trước nghĩa quân của Lê Lợi.

Chính sử (Toàn thư của Đại Việt sử ký toàn thư lẫn Cương mục) đều chỉ chép vắn tắt rằng vị trí Hội thề ở phía Nam thành Đông Quan. Lại phải lần đến hai nhà sử học tăm tiếng. Nhưng nhị vị ấy cũng chỉ mang máng có thể là khu vực Hỏa Lò.

Cũng có lý bởi khu ấy từ thời Lê sơ có tên là Nguyên Khánh (tin vui đầu năm). Sở dĩ có tên Nguyên Khánh do sự kiện ấy (Hội thề Đông Quan) mà ra chăng?

Trước vẻ phân vân, nghi ngại của ông bạn, tôi nghĩ có lẽ phải cậy nhờ đến cụ Nguyễn Vinh Phúc may ra? Nhớ bữa ấy trùng tiết Đại tuyết rét mướt, cả bọn mò đến nhà cụ. May mà cụ vẫn khỏe, lại sẵn lòng kiên nhẫn nghe người tự dưng đến quấy phiền cụ trình bày.

Những khoảng u u minh minh như sáng thêm, kiến văn dường như được rộng mở thêm khi cụ chậm rãi mà rằng, không thể gọi địa điểm của Hội thề thuở ấy là ở khu vực Hỏa Lò được! Bởi thành Đông Quan thời quân Minh đô hộ không thể khuôn ở vị trí kinh thành Thăng Long mà vua Gia Long cố tình gọt cho hẹp bớt Thăng Long được.

Đông Quan thuở ấy phải gồm một vòng của Đại La thành. Riêng sĩ số của quân Minh khi đó đã non mươi vạn chưa kể sĩ số của dân thành Đông Quan nữa, dĩ nhiên cũng gấp vài lần con số ấy. Bề kích kinh thành khiêm tốn như thế thì lấy chỗ nào mà chứa?

Thêm nữa, khi ấy Vương Thông chưa rút quân, Đông Quan còn đương đầy bóng giặc, Bình Định Vương Lê Lợi lẽ nào chọn một địa điểm giặc đang chiếm cứ mà làm chỗ Hội thề? Phải là khu vực đã được giải phóng hoặc có thể là một nơi giáp ranh.

Chính Đông Quan trong phạm vi rộng lớn một vòng ôm Đại La thành cho phép ta nghĩ đến một địa điểm là khu vực Vĩnh Tuy, Hoàng Mai, cụ thể là Mai Động bây giờ. Không phải ngẫu nhiên mà khu vực ấy hiện giờ vẫn có những địa danh như Gò thề, Gò cơm nắm? Như thế phù hợp hơn với chi tiết trong chính sử đã chép là phía Nam thành Đông Quan và bên bờ sông Nhị Hà.

... Lại nhớ thêm sau bữa xứ Đoài được Quốc hội cho nhập thành Hà Nội, mấy anh em chúng tôi có cuộc ngồi với cụ. Giữa những thủ thỉ, ồn ã này khác về những lịch thiệp Tràng An bị xâm thực, về văn hóa xứ Đoài mai một đi..., với bản tính lịch thiệp kín đáo, hồi lâu cụ mới thủng thẳng thế này, mình phải chấp nhận mọi thứ đổi thay bởi mình thấy không thể nào bất biến được.

Chỉ có dĩ bất biến, ứng vạn biến thôi; dĩ bất biến tức là cái nghị lực, cái tinh tế thôi. Hiện có những biến động, tôi nghĩ vẫn là lúc giao thời thôi, chứ không phải chấm dứt...

Sau mấy ngày nghỉ Tết, Hà thành quang quẽ, thông thoáng là thế bỗng lại chật ních những người là người. Trong những nườm nượp nhân mãn ấy, không ít người thấy bâng khuâng, chung chiêng bởi chả thể tìm ra được một người từng được dân phong là nhà Hà Nội học. Cứ ngỡ được tở mở lâu lâu với cuốn tự vị sống của Hà thành ấy. Vậy mà...

Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc sinh năm 1926, quê gốc ở vùng chợ Lưu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Những tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: “Danh nhân Hà Nội” (1970), “Ca dao - ngạn ngữ Hà Nội” (1984); “Đường phố Hà Nội” (1979), “Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn” (2003), “Hà Nội qua những năm tháng” (2004)… Ông còn chủ biên nhiều bộ sách như: “Đường Hà Nội”, “Hỏi đáp 1.000 năm Thăng Long,” “Du lịch Hà Nội,” “Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân”, “Lịch sử Thăng Long-Hà Nội”, “Hà Nội - Cõi đất, con người” ( 2009), “Địa chí vùng Hồ Tây”...

Ông là Nhà giáo ưu tú, được trao tặng giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2009, được vinh danh là Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2010.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc qua đời sáng 28-1 thọ 86 tuổi. Tang lễ tổ chức từ 7 giờ đến 9 giờ ngày 2-2 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Theo Báo giấy