Bộ NN&PTNT cho biết, báo cáo của cơ quan chuyên môn thú y, thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là qua biên giới với Lào, Campuchia. Điều này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… từ các nước vào Việt Nam.
Trước nguy cơ trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam, đặc biệt là qua biên giới với Lào, Campuchia.
Đồng thời thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh.
Bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở với các nước Lào, Campuchia… Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy theo quy định.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan bắt đầu từ ngày 12/6. Theo lãnh đạo Cục Thú y, hiện Thái Lan không có nhiều dịch bệnh, không có dịch tả lợn châu Phi. Lợn xuất khẩu có nguồn gốc từ trang trại, trong vòng bán kính 10 km không không có các loại dịch bệnh nguy hiểm trong thời gian 12 tháng trước khi xuất khẩu.
Thái Lan đã đăng ký 8 DN, với 8 hệ thống trang trại có quy mô 5 triệu con lợn sống để xuất sang Việt Nam và có thể tăng thêm trong thời gian tới.
Với các DN nhập khẩu của Việt Nam, các DN chỉ được nhập lợn từ các trang trại của Thái Lan đã được cơ quan thú y nước này kiểm tra, xác nhận và đăng ký với cơ quan thú y Việt Nam. DN phải có xe vận chuyển chuyên dụng, cơ cơ sở nuôi cách ly, kiểm dịch… ở Việt Nam theo quy định.
Với lợn to, trong vòng 5 ngày, nếu mẫu xét nghiệm âm tính sẽ được cho đi giết mổ. Còn với loại lợn choai 10-30 kg/con, sẽ được cách ly 14 ngày, nếu mẫu xét nghiệm âm tính mới được đưa vào để tiếp tục nuôi tăng đàn.
Bộ NN&PTNT kỳ vọng, việc cho phép nhậu lợn sống từ Thái Lan sẽ giúp hạ nhiệt giá thịt lợn trong nước thời gian tới.