> Báo cáo Thủ tướng vụ 'nhân bản xét nghiệm'
> Người tố cáo 'nhân bản' khóc trong lễ khen thưởng
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên đã trao tặng giấy khen và tiền thưởng cho 3 cá nhân là chị Hoàng Thị Nguyệt, viên chức khoa Xét nghiệm, chị Phan Thị Nam Đông, viên chức khoa Liên chuyên khoa và chị Khuất Thị Định, viên chức khoa Sản vì có thành tích đột xuất trong việc phát hiện ra những sai phạm BV đa khoa Hoài Đức.
Ông Yên cho biết, giấy khen là phần thưởng quý giá cho những cá nhân đã dũng cảm tố cáo sai phạm, là nguồn động viên cho những người phát hiện thấy sai phạm thì dũng cảm tố cáo.
Trước khi buổi lễ diễn ra, bên hành lang phòng họp, chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, chị Định bật khóc nói: “Nhận được tin Phó giám đốc BV báo sáng nay Sở xuống khen thưởng cho 3 chị em mà tôi khóc suốt đêm. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Thành ủy và cơ quan công an đã vào cuộc kịp thời.
Tôi rất biết ơn các nhà báo đã đồng hành cùng chúng tôi để có được kết quả ban đầu này. Chúng tôi cũng không vui sướng gì khi nhận khen thưởng thế này, chỉ mong không đồng nghiệp nào làm sai thì tốt hơn”.
Lễ trao thưởng diễn ra vội vàng, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội không kịp đứng lại chụp bức ảnh chung cùng 3 cá nhân được khen thưởng mà ra về ngay. Ba người phụ nữ nhận thưởng đều không nở một nụ cười, mắt đỏ hoe.
Báo chí bất ngờ trước những diễn biến tại lễ trao thưởng khi ngay sau lễ trao giấy khen kết thúc, không có những cái bắt tay cùng những nụ cười chúc mừng động viên của lãnh đạo Sở Y tế cũng như Ban giám đốc BV dành cho ba người có công trong việc đưa sự thật phơi bày ra ánh sáng. Vây quanh và chúc mừng 3 chị trong thời khắc đó chỉ là những phóng viên đã đồng hành cùng chị Nguyệt trong suốt những ngày qua để đưa thông tin đến bạn đọc.
Nghẹn ngào vì xúc động, chị Nguyệt chia sẻ với báo chí: “Tôi cảm ơn các cấp lãnh đạo, các cấp các ngành, các cơ quan báo chí đặc biệt là Phòng cảnh sát PC46 Công an Thành phố Hà Nội đã mang đến niềm tin lớn nhất cho tôi ngay từ phút đầu.
Thành công ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn của những đồng nghiệp luôn sát cánh bên tôi, của các cơ quan chức năng vì đã nhanh chóng vào cuộc điều tra và sự tham gia nhiệt tình của các bạn phóng viên đã giúp đưa sự thật ra ánh sáng.
Tôi làm những việc đặng chẳng đừng là tố cáo đồng nghiệp chỉ để với hy vọng trả lại quyền lợi chính đáng cho bệnh nhân chứ không vì tư lợi cá nhân. Việc đồng nghiệp làm sai cũng khiến chị em chúng tôi buồn lòng, nhưng chúng tôi phải làm theo lương tâm mình mách bảo. Tôi biết phía trước chờ đợi mình là rất nhiều khó khăn”.
Bài học đau xót cho ngành y
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Yên nhìn nhận: “Sự việc xảy ra tại BV Đa khoa huyện Hoài Đức là vi phạm chuyên môn nghiêm trọng, tôi rất đau xót vì điều này. Các cơ quan chức năng và Sở Y tế Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm túc những cá nhân sai phạm.
Tôi biết chờ đợi mình ở phía trước là rất nhiều khó khăn”.
Chị Hoàng Thị Nguyệt
Những người này cần xem xét lại đạo đức của mình. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội hy vọng Ban giám đốc BV và cán bộ nhân viên trong viện cùng chung ý chí, đoàn kết để BV tiếp tục phục vụ nhân dân tốt hơn, lấy lại niềm tin của người dân.
Đây là khen thưởng bước đầu, sự việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra và kết luận”. Ông Yên cho rằng sự việc xảy ra tại BV đa khoa Hoài Đức là bài học lớn đối với cán bộ nhân viên ngành y tế.
Nhiều bệnh nhân và người nhà đến khám tại BV sáng qua đã biết thông tin về lễ trao thưởng cho những người đứng đơn tố cáo.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Minh (58 tuổi) cho biết: “Biết tin này người dân chúng tôi phấn khởi lắm, ít ra sự thật đã được sáng tỏ, người tố cáo không bị trù dập mà đã được ghi nhận công lao. Đây cũng là niềm tin đối với người dân khi đến đây chữa bệnh sau sự cố vừa qua”.
Sở Y tế tặng giấy khen là chưa đủ
Trao đổi với Tiền Phong, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho biết, dù có thông tin Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức nhận nhiệm vụ bảo vệ chị Hoàng Thị Nguyệt, nhưng phạm vi bảo vệ cần tới cả gia đình và người thân những người tố cáo.
Bà An cho rằng hành động dám đứng lên vạch trần những sai phạm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức của chị Nguyệt và đồng nghiệp là dũng cảm, vì sức khỏe, tính mạng của người dân, vì uy tín của ngành Y tế, của Thủ đô Hà Nội. Do vậy, việc khen thưởng là xứng đáng, nhưng cần nâng cấp hơn chứ không chỉ dừng ở cấp “giấy khen” của Sở Y tế.
“Tôi thấy rằng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã khiến cho các cơ quan chức năng vào cuộc rất rốt ráo, khiến cho tiến trình xử lý nhanh hơn. Làm tốt được việc bảo vệ và tuyên dương những người dũng cảm tố cáo tiêu cực, sai trái vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để Hà Nội lấy lại uy tín và uy thế của mình”. Đại biểu Bùi Thị An nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên đặt vấn đề, trong bối cảnh các tổ chức như Đảng ủy, Công đoàn, thanh tra của bệnh viện đa khoa Hoài Đức gần như bị tê liệt, không phát hiện được việc làm “động trời” tại đây, thì hành động của chị Nguyệt và đồng nghiệp là dũng cảm, cách làm tốt và rất đáng trân trọng, cần kịp thời khen thưởng, động viên.
“Tuy nhiên nếu Sở Y tế tặng giấy khen là chưa đủ. Hà Nội mà cụ thể là cơ quan phòng chống tham nhũng như Ban Nội chính nên có khen thưởng xứng đáng với những người dũng cảm tố cáo tham nhũng, sai trái”.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương nhận định hành động của chị Nguyệt và đồng nghiệp cần được tuyên dương và nhân rộng hơn nữa. “Thậm chí nếu họ có năng lực cần cân nhắc đề bạt lên vị trí cao hơn. Những người đứng lên tố cáo gặp rất nhiều thiệt thòi, áp lực. Nên việc khen thưởng ngoài mặt tinh thần phải kèm cả vật chất, tích cực bảo vệ, ngăn ngừa hành vi trù dập, trả thù. Như thế mới tạo sự tự tin cho những người dũng cảm đứng lên đấu tranh với cái ác, cái sai”. Ông Đương nói.
N.C.KHANH
ghi