'Vụ Nguyễn Ánh 9': Âm nhạc không chỉ có ngôi sao

TP - Mọi người đang quá hứng khởi hoặc bị kích động với những nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về một số nhân vật đang nổi của thị trường ca nhạc. Nhưng nhìn vào thực tế, những nhân vật đó cũng chỉ là chủ đề để bàn tán trong thời gian ngắn nhất định.

> Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Tôi không còn tuổi để đối chất, tranh giành
> Ai được như ông Nguyễn Ánh 9?

Nhạc thị trường thường mượn nhiều yếu tố ngoài âm nhạc để hấp dẫn người xem. Ảnh: Vi khoa.

Vấn đề cốt lõi hơn là thực trạng nền âm nhạc mà những bức xúc của một hai nghệ sĩ chỉ mới nói lên vài khoảng thuộc bề nổi. 

Sa đà vào tranh cãi xem Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng... hay hay dở cũng như đồng tình hay phản đối Nguyễn Ánh 9 là việc làm vô ích. Vì ta có đứng về phe nào thì cũng không thay đổi được quan điểm của phe kia.

Không ai để ý nhận xét của vị nhạc sĩ già trong cùng bài phỏng vấn như: “Việt Nam hiện tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Nhạc để xem nhiều hơn để nghe. Người ta làm giải trí kiếm tiền, coi qua rồi bỏ chứ hiếm người tâm huyết làm nghệ thuật. Điều này khiến tôi buồn lắm vì con đường nghệ thuật của mình không có những người chung chí hướng để làm tốt vai trò nghệ sĩ”.

Nền âm nhạc của chúng ta tuy nhỏ nhưng cũng có nhiều nghệ sĩ tự phân công cho mình những hướng đi khác nhau. Mới đây, nhạc sĩ trẻ Đỗ Bảo tuyên bố: “Đa số người ta tham gia showbiz để làm những công việc kinh doanh nhiều hơn, mà nguyện vọng của tôi là đi theo con đường là nghệ sĩ”.

Phải chăng cũng hơi có cùng chí hướng với Nguyễn Ánh 9? Theo Đỗ Bảo việc gia nhập công nghệ giải trí (bằng âm nhạc) chắc chắn làm giảm sút tính chất sáng tạo. Cứ quay cuồng hết show diễn nọ đến chiến dịch PR kia thì sáng tạo vào lúc nào?

Sáng tạo nghệ thuật hay giải trí cho số đông- nói chung nghệ sĩ chỉ có thể chọn lấy một đường. “Mỗi nghệ sĩ có một cách phát triển, có những người chọn cách phát triển trong thành tựu được tung hô, chào đón hoành tráng rực rỡ; kiểu nghệ sĩ khác có khi lại trưởng thành mạnh mẽ hơn trong sự cô độc, thiếu vắng sự tung hô”, nhạc sĩ Kim Ngọc phát biểu.

“Tựu trung lại là làm thế nào vẫn có sự phát triển, đi đến cùng con đường của mình. Còn được tung hô, thành công mãi mà không có thành tựu gì với bản thân, bế tắc, mới gọi là chán! Có điều họ có để cho người ta thấy hay không. Chứ còn nghệ sĩ gặp khủng hoảng có khi còn kinh khủng hơn, khi rốt cuộc nhận ra thành tựu mình để lại không phải là nhiều”. Hẳn cũng có những nghệ sĩ chẳng bao giờ khủng hoảng theo kiểu Kim Ngọc hình dung, nếu anh ta là nhà kinh doanh sự giải trí.

Nghệ sĩ sẽ là người đầu tiên thẩm định nghệ thuật của mình, mình có đóng góp gì, để lại gì. Còn nếu cứu cánh của anh chỉ là độ giàu có và danh xưng hão huyền thì không nói làm gì. Có người khi bị nhận xét về chuyên môn thì nhảy dựng lên vì với anh ta, điều đó giống với việc đụng đến thương hiệu, đến công việc làm ăn. Cũng có người làm nghệ thuật lại ước ao giá như được ai đó đầy đủ kiến thức và sự khách quan để phê phán mình.

Hoàng Ngọc Tuấn một nhạc sĩ đi theo con đường đương đại ở Australia trong bài trả lời phỏng vấn đài ABC Radio Australia cho rằng: “Ca khúc phổ thông hôm nay chủ yếu là sinh hoạt giải trí mang tính tiêu dùng”. Ông Tuấn khẳng định: “Những sinh hoạt ca khúc phổ thông Việt Nam ở hải ngoại, nếu được nhắc đến, cũng chỉ được xem như những sinh hoạt xã hội, không phải sinh hoạt âm nhạc”.

Ông muốn ám chỉ sự rập khuôn thành công thức của ca khúc nhạc pop nhằm giải trí cho đại chúng. Nhưng vì ông nói học thuật, chẳng đụng chạm ai nên không thấy ai tranh cãi gì. Chứ làm âm nhạc lại bị nói là “nhà hoạt động xã hội” thì cũng sốc chứ!?

Trong tình hình phát triển âm nhạc hiện nay, các ngôi sao ca nhạc của Việt Nam có thể yên tâm rằng họ trước hết là những doanh nhân độc quyền mặt hàng là giọng hát và tài năng của chính họ.

Trong ca nhạc, không nhất thiết ai hát hay hơn sẽ được nhiều người nghe hơn. Anh bán chạy hơn không có nghĩa là anh tài năng hơn. Vì thế những nhận xét cá nhân trong lĩnh vực này - dù là của một người có chuyên môn - cũng chỉ mang tính tham khảo. Song ít nhiều cũng có tác dụng thúc đẩy một sự thay đổi và phát triển.

Nguyễn Ánh 9: Theo tôi, thị trường nhạc Việt đang nằm yên. Rồi từ từ, nhạc thị trường sẽ rớt dần và tới giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại. Đời tôi không thấy nhưng đời con, đời cháu tôi sẽ thấy điều này.

Hoàng Ngọc Tuấn: Phải có ngân sách dồi dào, hệ thống giáo dục âm nhạc hoàn chỉnh và cập nhật, và lượng thời gian khá lớn để nâng cấp trình độ sáng tác của nhạc sĩ và thẩm mỹ âm nhạc của quần chúng, trước khi chúng ta làm được điều đáng kể. Nói cụ thể, để âm nhạc đương đại của chúng ta bắt kịp Nhật Bản chẳng hạn, nền kinh tế và giáo dục của chúng ta phải bắt kịp họ trước đã. Vấn đề này cực lớn, nhưng không phải vì thế chúng ta tránh suy nghĩ và mơ ước.

Theo Báo giấy