Vụ khủng bố 11/9: Bí mật động trời trong 28 trang tài liệu

Theo điều tra của Mỹ, Al-Qaeda đã chi một khoản tiền từ 400.000 - 500.000 USD để lập kế hoạch và tiến hành vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001

Có rất nhiều báo cáo điều tra từ Chính phủ Mỹ và từ các cuộc điều tra độc lập về sự kiện 11/9 đã được công bố, tuy nhiên, duy chỉ bộ tài liệu gồm 28 trang, ghi lại những thông tin tình báo Mỹ thu thập được trước và sau vụ tấn công ngày 11/9 được giữ kín từ thời cựu Tổng thống G.Bush cho đến nay.

Thậm chí, ngay trong chính quyền Mỹ, không phải nghị sĩ nào cũng được đọc tài liệu này. Chính điều này đã khiến những nghi ngờ được khoét sâu rằng, dường như chính phủ Mỹ muốn dấu diếm sự thật về vụ khủng bố 11/9/2001.

Tờ Aljazeera có trụ sở ở Qatar cho rằng, trong 28 trang tài liệu bí mật này có chứa đựng thông tin về một “kẻ giấu mặt”, đó có thể là tên một quốc gia đã hậu thuẫn cho 19 kẻ không tặc tấn công nước Mỹ.

Ngày 11 đen tối của tháng Chín

Theo điều tra của Mỹ, Al-Qaeda đã chi một khoản tiền từ 400.000 - 500.000 USD để lập kế hoạch và tiến hành vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, nhưng nguồn gốc số tiền trên chưa được tiết lộ và đó cũng là một phần sự thật được giấu kín trong tập tài liệu dày 28 trang chưa được công bố.

Ngày 11/9/2001, 9 tên không tặc cướp 4 máy bay chở khách hiệu Boeing đang trên đường từ Boston, Newark và Washington D.C tới San Francisco, Los Angeles và tấn công vào các địa điểm quan trọng của Mỹ, khiến khoảng 3.000 người tới từ hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng. Sự việc diễn ra trong 102 phút kinh hoàng chấn động toàn thế giới.

Ngày 11/9/2001, ngày đen tối của lịch sử nước Mỹ. (Ảnh: Internet)

Lúc 8 giờ 46 phút sáng, chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tầng 93 đến 99 của tháp Bắc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC).

Chỉ 17 phút sau đó, chiếc máy bay thứ 2 mang số hiệu 175 của Hãng hàng không United Airlines đâm vào tầng 75 đến 85 của tòa tháp phía Nam. Ba tòa nhà trong khu Trung tâm Thương mại thế giới đổ sập vào ngày bị tấn công.

Một nhóm không tặc khác điều khiển chiếc máy bay với số hiệu chuyến bay 77 của American Airlines đâm xuống Lầu Năm Góc lúc 9 giờ 37 phút khiến 125 người thiệt mạng, gồm 70 dân thường và 55 nhân viên quân sự.

Chiếc thứ tư của United Airlines, số chuyến 93, đâm xuống gần Shankville, Pennsylvania lúc 10 giờ 3 phút, sau khi các hành khách trên boong vật lộn với những kẻ không tặc. Nếu không, theo kế hoạch chiếc máy bay thứ 4 này sẽ nhằm vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hoặc Nhà Trắng.

Tất cả những gì chúng ta được biết về vụ khủng bố này là do tổ chức khủng bố Al-Qaeda dưới sự điều hành của tên trùm Osama Bin Laden thực hiện. Tuy nhiên, những nghi vấn cứ tăng dần sau những kết quả điều tra độc lập được tiến hành nhiều năm sau đó. Thậm chí, nhiều giả thiết còn cho rằng, vụ khủng bố là “một sản phẩm do chính quyền Mỹ dàn dựng”.

Thậm chí, ở Mỹ đã hình thành nên phong trào đòi sự thật về vụ 11/9. Đây là sự tập hợp của các tổ chức và cá nhân không tin hoặc nghi ngờ vào cách giải thích chính thức của Chính phủ Mỹ về Sự kiện 11 tháng 9. Những người ủng hộ và thảo luận các giả thuyết khác nhau về cách thức các cuộc tấn công xảy ra và kêu gọi một cuộc điều tra mới đối với những vụ tấn công.

Một số phân tích cho thấy, các cuộc gọi điện thoại của hành khách trên máy bay bị không tặc có khả năng đã bị giả mạo dùng kỹ thuật voice morphing, dù kỹ thuật này không thể che giấu được việc các máy bay tử nạn ở ngoài vòng phủ sóng của các trạm GSM trên mặt đất, và các thừa nhận từ lãnh đạo của al-Qaeda sau này có thể được tạo dựng và lấy được nhờ tra tấn.

Nhiều phân tích khác cũng cho rằng, chỉ có hai tòa nhà ở Trung Tâm Thương mại Thế giới số 1 và 2 bị máy bay đâm vào, nhưng trong ngày 11.9 ở New York có ba tòa nhà bị phá hủy bao gồm cả một tòa nhà số 7 sụp đổ vào lúc 17 giờ 21 phút giờ địa phương.

Lượng bụi rất lớn và lan rộng hàng km dưới chân các tòa nhà nhìn thấy trên ảnh và phim chụp vài giây đến một phút ngay sau khi các tòa nhà này sụp đổ hoàn toàn cho thấy bê tông cốt thép của chúng đã bị phá hủy bằng thuốc nổ ngay trong không trung chứ không thể do hỏa hoạn và sụp đổ do trọng lượng.

Một trong số những nghi ngờ đáng chú ý nữa là Lỗ thủng ở Lầu Năm Góc quá nhỏ và quá dài so với kích thước của máy bay Boeing 757 (chuyến bay 77 của American Airlines). Đặc biệt, sau khi đâm vào tòa nhà Lầu Năm Góc, chiếc Boeing 757 đã biến đi đâu khi tại hiện trường, đã không hề thấy bất kỳ mảnh vỡ nào của chiếc máy bay này…

13 năm ám ảnh

Và còn rất nhiều những giả thiết nghi ngờ về tính xác thực trong những kết luận của Chính phủ Mỹ về vụ việc. Những điều này càng làm cho nỗi đau của những gia đình có người thân bị thiệt mạng trong vụ khủng bố này khó lòng nguôi ngoai.

Hiện gia đình các nạn nhân vụ 11/9 đang cố gắng gây sức ép để Chính phủ Mỹ công bố bí mật động trời trong tập tài liệu 28 trang về sự ủng hộ từ chính phủ bên ngoài đối với bọn khủng bố thực hiện vụ tấn công.

Những hình ảnh kinh hoàng của vụ khủng bố 11/9/2001. (Ảnh: Internet)
Tổng số người bị thiệt mạng trực tiếp trong các vụ khủng bố ngày 11/9 là 2.996, trong đó có 2.669 người Mỹ, 372 công dân nước ngoài (tính cả 19 tên không tặc) của 90 quốc gia. Tuổi trung bình của các nạn nhân xấu số trong vụ này là 40, cháu bé nhất bị chết mới 2 tuổi rưỡi, cụ già nhất thiệt mạng ở tuổi 82. Khoảng 2.680 người bị thương trong thảm họa này.

Nhưng cho đến nay, hàng trăm tử thi vẫn chưa thể xác định được thân nhân. Theo báo chí Mỹ, có khoảng 10.000 mẩu xương và các phần mô chưa thể xác nhận là phù hợp với danh sách nạn nhân.

Bà Steve Olivia- có chồng là kỹ sư làm việc ở Tòa tháp Thương mại và bị thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 cho biết, phải nhiều năm sau vụ khủng bố, bà mới nhận được một chiếc ví trong đó có tờ hóa đơn giá 2 USD của chồng, như một tấm giấy chứng tử duy nhất về chồng bà.

Bà Olivia đau đớn kể rằng, dù 13 năm trôi qua, nhưng hàng đêm bà vẫn thấy mình điên dại trong những giấc mơ đi tìm người chồng quá cố. 

“Nhiều đêm, tôi thấy ông ấy xuất hiện, nắm lấy tay và dắt tôi đi. Chúng tôi đi về khu vực Ground Zero. Khi đứng trước những đống đổ nát, chồng tôi chỉ tay vào đấy, rồi biến mất. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng giấc mơ cứ lặp đi lặp lại khiến tôi như điên dại” - bà Olivia chia sẻ.

Nỗi đau ngày 11/9 chắc chắn còn ám ảnh hàng ngàn gia đình người Mỹ trong một thời gian rất dài. Nhiều trẻ em mất cha mẹ trong vụ khủng bố đã phải lớn lên trong tình trạng tâm lý bất ổn, thậm chí nhiều trong số 3.000 trẻ em của các gia đình nạn nhân đã mắc chứng bệnh về tâm thần.

Những năm trôi qua, theo gia đình các nạn nhân Mỹ vụ 11/9, sự ủng hộ từ người thân đã cạn dần hay thậm chí không còn. Đặc biệt, với những đứa trẻ có cha hoặc mẹ còn lại nay đã tái hôn, hoàn cảnh các em càng trở nên bi thảm và mất mát khiến cho nỗi đau ngày 11/9 sẽ không bao giờ biến mất.

Theo Theo Dân Việt