Vụ Huyền Như: Đề nghị khởi tố vụ án liên quan tới 3 ngân hàng

TPO - Trong ngày xét xử phúc thẩm vụ án Huyền Như hôm nay, luật sư Trương Xuân Tám của Vietinbank đã đề nghị HĐXX khởi tố vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan tới 3 ngân hàng là Navibank, Ngân hàng Tiên Phong, Ngân hàng Hàng Hải.
Các bị cáo được áp giải lên xe sau khi phiên tòa buổi sáng kết thúc, rất đông người thân các bị cáo đứng chờ gặp mặt. Ảnh Việt Văn

“Tôi đề nghị HĐXX căn cứ vào điều 104 BLHS vì HĐXX có quyền khởi tố ngay tại tòa. Căn cứ điều 101 BLHS, bất kỳ công dân nào cũng có quyền đề nghị khởi tố", luật sư Trương Xuân Tám (bảo vệ quyền lợi VietinBank) đề nghị trước HĐXX như vậy trong phần đối đáp của mình tại phiên tòa xét xử phúc thẩm Huyền Như lừa đảo sáng 30/12.

Trước đó, luật sư Nguyễn Văn Trung (bảo vệ cho Vietinbank) cho rằng, việc ACB kháng cáo yêu cầu hủy án và đề nghị truy tố Huyền Như về tội tham ô, là vi phạm tố tụng. Bởi lẽ ACB là nguyên đơn dân sự chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại.

Luật sư Trung cũng cho rằng việc VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm nhằm truy tố Huyền Như về tội tham ô, cũng là vi phạm tố tụng.

Bị cáo Huyền Như. Ảnh Việt Văn

“Đề nghị của VKS về việc hủy một phần bản án sơ thẩm có liên quan đến 1085 tỷ đồng của 5 công ty Phương Đông, SBBS, Bảo hiểm Toàn cầu, Hưng Yên, An Lộc để điều tra, truy tố Huyền Như về tội danh tham ô nhằm buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường, là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự, vượt quá quyền hạn của kiểm soát viên được phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa”, luật sư Trung khẳng định.

Vietinbank đề nghị khởi tố 3 ngân hàng

Cũng trong phần đối đáp, luật sư Trung đã bác lại ý kiến của VKS khi cho rằng 2 Ngân hàng Hàng Hải và Tiên Phong không bị thiệt hại trong vụ án này, là những pháp nhân độc lập không liên quan đến trách nhiệm, chỉ có các Công ty Phương Đông, An Lộc, SBBS, Bảo hiểm Toàn cầu là những đơn vị thiệt hại trong vụ án với tư cách là nguyên đơn dân sự.

Luật sư Trung chỉ ra, trong hồ sơ điều tra vụ án, kết luận điều tra và qua phần tranh luận tại tòa cho thấy 2 ngân hàng này không khác gì Navibank và ACB. Chỉ khác ở chỗ, Ngân hàng Hàng Hải và Tiên Phong ủy thác cho nhóm 5 công ty kể trên, còn ACB và Navibank thì ủy thác cho nhân viên của họ. Từ kết luận điều tra và lời khai của bị cáo Huyền Như, thấy rõ 5 công ty trên là “sân sau” của 2 Ngân hàng Tiên Phong và Hàng Hải được ủy thác gửi tiền vào Vietinbank.

Toàn cảnh phiên tòa sáng 30/12. Ảnh Việt Văn

Do đó, số tiền 5 công ty này gửi vào Vietinbank cũng chính là số tiền của 2 ngân hàng trên. Do đó, 2 ngân hàng này không phải là nguyên đơn dân sự thì cũng phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

Các luật sư Vietinbank cho rằng nếu không xem xét đến vai trò, trách nhiệm của 2 Ngân hàng Hàng Hải và Tiên Phong, là đã không làm rõ sự thật khách quan của vụ án, chỉ nói đến cái ngọn mà không nói đến cái gốc, chỉ xét trên hình thức giao dịch dân sự mà không xét đến bản chất hình sự vụ án.

Từ đó, luật sư Trương Xuân Tám, bảo vệ Vietinbank đã đề nghị HĐXX khởi tố vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với 3 Ngân hàng Navibank, Tiên Phong, Hàng Hải.

Phiên tòa tiếp tục chiều 30/12.