Lo ngại lối dạy quyền uy, áp đặt
TS tâm lý Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, lâu nay xã hội lên án gay gắt việc giáo viên dùng bạo lực với học trò, tuy nhiên hết lần này đến lần khác, sự việc vẫn xảy ra. TS Lâm đánh giá, hành vi cô giáo cho học sinh tát bạn lên hàng trăm cái đối với một học sinh mới chỉ học lớp 6 là hành vi bản năng thời trung cổ. TS nói: “Cô nóng giận, lỡ tay đánh học sinh 1-2 tát đã là hành vi bị lên án thì hành động nào của cô giáo rất phản giáo dục. Hành động này sẽ ảnh hưởng đến tất cả học sinh trong lớp”, ông nói.
Về mặt tâm lý, TS Lâm phân tích, người chịu tổn thương nhất là học sinh bị đánh. Nếu em có tính cách nhút nhát sau sự việc này em dễ sống thu mình, sợ hãi giáo viên và các bạn, rất dễ dẫn đến trầm cảm. Còn ngược lại, học sinh có cá tính, em dễ nổi xung lên để đối phó với tất cả các bạn, giáo viên khác. Bởi em không được giáo dục bằng tình yêu thương, lòng bao dung mà chính bạo lực. Còn tất cả học sinh trong lớp chịu sự giáo dục của cô giáo này, dùng hình thức bạo lực để xử học sinh mỗi lần vi phạm cũng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Các em sẽ học cách xử lý vấn đề bằng bạo lực. Đặc biệt là những học sinh cá tính sẽ dùng bạo lực để trấn áp bạn khi gặp mâu thuẫn trong cuộc sống. Đó là hệ luỵ lớn nhất, bởi lâu nay giáo viên vẫn luôn là hình mẫu lý tưởng trong mắt học sinh, cô luôn đúng.
Về nguyên nhân, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng khẳng định, một phần do giáo viên chịu áp lực về thành tích của lớp, của trường. Trong trường hợp này, lớp của cô Thuỷ chủ nhiệm đang bị xếp cuối trường vì thế áp lực càng đè nặng. “Nhà trường cũng có lỗi trong việc không hướng dẫn giáo viên để họ tự tung, tự tác xử phạt học sinh theo cảm tính. Ít nhất, trường hợp cô Thuỷ xử học sinh bằng hình thức cho bạn tát, đây không phải là lần đầu. Hiện nay, có tình trạng một số giáo viên, nhất là trường công có lối giáo dục quyền uy, thầy cô là nhất, thành tích của trường là nhất mà không vì niềm vui, nhân cách của học sinh”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
TS tâm lý Trần Thành Nam, giảng viên Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, khi tiếp nhận thông tin một giáo viên xử phạt học sinh bằng cách cho toàn bộ học sinh trong lớp tát bạn 231 cái, thậm chí em nào tát nhẹ còn bị yêu cầu tát lại khiến anh cảm thấy rất sốc. TS Nam cho rằng, năm học qua, có không ít vụ việc cô giáo hành xử không đúng mực với học sinh như: cô giáo cho học sinh uống nước giẻ lau, cô giáo tát học sinh… Những giáo viên đó đã bị xử lý nhưng giáo viên khác vẫn không coi đó là bài học cho bản thân.
Điều ông lo lắng là, “Lâu nay cách dạy học áp đặt, giáo viên nói học sinh phải nghe theo, nên trong chuyện này khi giáo viên yêu cầu cả lớp tát bạn vẫn không có một học sinh nào dám làm trái. Kiểu giáo dục như vậy làm sao đào tạo ra được sản phẩm là những con người tự tin, có chính kiến, dám phản biện, dám sáng tạo?”, TS Nam nói.
Cả nhà trường chạy theo thành tích?
TS Nam cho rằng, bản thân giáo viên đó có những áp lực vượt quá sức chịu đựng. Cụ thể, trong trường hợp này là bệnh thành tích từ chính hiệu trưởng, nhà quản lý yêu cầu giáo viên phải có cách quản lý lớp để không bị trừ điểm thi đua. Đó là áp lực từ chính cơ chế của nhà trường, họ đã áp lên vai giáo viên nên khi đứng trước một tình huống cụ thể là học sinh vi phạm cô đã xử lý theo cảm tính. Tuy nhiên, cách xử lý bằng bạo lực của cô đã vô tình làm hại đến cả lớp. Ở đây, học sinh sẽ hiểu rằng, mọi mâu thuẫn có thể được giải quyết bằng bạo lực. Cũng từ đó, giữa học sinh này và học sinh khác nảy sinh sự thù hận lẫn nhau và cuối cùng cũng có thể dẫn bạo lực. Vì chúng ngầm hiểu rằng, hành động “đánh bạn” đã được cô giáo cho phép.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nếu muốn thay đổi, các trường học phải thay đổi quan điểm, khẩu hiệu. Giáo dục nhất thiết phải vì nhân cách học sinh chứ giáo dục không thể vì thành tích hay điểm số. Lời cầu xin báo chí không đăng tin sự việc của bà hiệu trưởng trường này chỉ vì nguyên nhân trường sắp được công nhận trường chuẩn quốc gia giai đoạn II cho thấy, cả người quản lý cũng đang chạy theo thành tích, không hướng đến học sinh, không vì học sinh. Ngay cả khi sự việc nóng đang xảy ra, cả xã hội quan tâm, lên án thì những người trong cuộc vẫn chỉ quan tâm đến thành tích. Đây là điều cần phải lên án, phê phán. “Để không xảy ra những chuyện tương tự (giáo viên bắt HS tát bạn), hiệu trưởng các trường nên đưa ra bộ quy tắc ứng xử và đề nghị giáo viên ký cam kết. Nếu vi phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm để răn đe”, ông nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “dù nguyên nhân gì thì việc cô giáo phạt học sinh với hình phạt cho các bạn cùng lớp tát 231 cái là sai và hoàn toàn không chấp nhận được. Vì vậy, nhà trường cần xem xét và xử lý thật nghiêm hành vi của cô giáo”. Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cũng đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT Quảng Bình xác minh, phối hợp xử lý nghiêm cô giáo xử phạt học sinh ở trường THCS Duy Ninh. Văn bản cũng khẳng định, hành vi của giáo viên cho tất cả học sinh trong lớp tát em H. L.N. đến mức nhập viện là hành vi hết sức sai trái, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng, khiến dư luận bất bình, gây ảnh hưởng xấu đến ngành.
“Hội đồng Đội T.Ư đề nghị ngành Giáo dục và đào tạo, các cơ quan chức năng của Quảng Bình khẩn trương làm rõ trách nhiệm của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, có hình thức xử lý phù hợp”.
Đó là ý kiến của anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư trước sự việc học sinh H.L.N (lớp 6.2, trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) bị cô giáo chủ nhiệm cho các bạn tát 231 cái vào má gây bức xúc dư luận.
Anh Lương cho biết, Hội đồng Đội T.Ư đã chỉ đạo Hội đồng Đội tỉnh Quảng Bình phối hợp với lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng Bình để xác minh thông tin, tìm hiểu vụ việc và tới thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình em H.L.N.