Kể từ đêm 19/4 đến tối 20/4, các thợ lặn Hải quân và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hàn Quốc vớt được 18 thi thể trong phà Sewol, nâng tổng số thiệt mạng lên 58, giảm số người mất tích xuống 244, Yonhap đưa tin.
Thủy thủ đoàn không quyết đoán
Theo Yonhap, khoảng 40 phút sau khi thực hiện cuộc gọi cầu cứu đầu tiên tới trung tâm điều hành giao thông đường thủy, thủy thủ đoàn Sewol dường như mới bắt đầu sơ tán hành khách. Thuyền trưởng nói rằng, ông chưa ra lệnh sơ tán ngay vì sợ mọi người bị nước cuốn trôi.
Hôm qua, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đưa ra nội dung các cuộc gọi cuối cùng của thủy thủ đoàn khi phà gặp nạn. Vào lúc 9 giờ 24 phút sáng 16/4, 29 phút sau khi Sewol kêu cứu lần đầu tiên, một người nhận điện nói: “Xin hãy ra ngoài và để hành khách mặc áo phao, mặc thêm quần áo”. Một thành viên thủy thủ đoàn (chưa xác định được danh tính) nói: “Nếu phà này sơ tán hành khách, các bạn có thể cứu được họ không?”.
Người nhận điện ở Trung tâm Dịch vụ Giao thông Tàu thuyền Jindo trả lời: “Ít nhất là bắt họ đeo phao cứu sinh và thoát thân”. Người này tiếp tục thúc giục thủy thủ đoàn chuẩn bị sơ tán. Thành viên thủy thủ đoàn hai lần hỏi rằng, liệu hành khách có được “cứu ngay lập tức” hay không.
Phải đến tận 9 giờ 37 phút, vài giây trước khi có cuộc liên lạc cuối cùng, những người nhận điện cầu cứu mới rõ rằng, lệnh sơ tán đã được ban ra, BBC đưa tin hôm qua.
Cơn giận dữ của những gia đình có người thiệt mạng hoặc mất tích đã bùng phát khi lực lượng cứu hộ bắt đầu đưa thi thể nạn nhân từ trong phà đắm lên bờ.
Cảnh sát Hàn Quốc hôm 20/4 ngăn chặn khoảng 100 người khi họ đang cố rời khỏi đảo Jindo đến thủ đô Seoul để đòi gặp Tổng thống Park Geun-hye, vì cho rằng chính phủ xử lý không thỏa đáng chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ.
Tổng thống Park đã đích thân ra tận hiện trường vụ tai nạn, thăm hỏi, động viên những người sống sót, thân nhân người chết, mất tích, nhưng vẫn không xoa dịu được cơn giận dữ của nhiều gia đình nạn nhân. Nhiều gia đình cho rằng chính phủ không làm hết sức.
Báo Hàn Quốc Korea Times đưa tin, Thủ tướng Chung Hong-won đã gặp gia đình các nạn nhân hai lần và cố gắng trấn an họ, nhưng nhiều người trong số đó vẫn ngồi trước vạch của cảnh sát suốt 6 giờ. Gần 5 ngày sau vụ tai nạn, không có thêm người sống sót nào được tìm thấy.
Một số sĩ quan cảnh sát gạt nước mắt, thậm chí cùng khóc khi đứng trước các gia đình nạn nhân. “Tôi muốn con gái tôi trở về trước khi tôi không còn có thể nhận ra nó”, một phụ nữ vừa khóc vừa nói. Con của người phụ nữ này là học sinh của Trường Trung học Danwon vẫn bị kẹt trong chiếc phà đắm.
Dân Hàn chỉ trích Chính phủ
Nhiều người dân Hàn Quốc chỉ trích chính phủ đã không cung cấp thông tin chính xác về những điều đang diễn ra trong quá trình tìm kiếm và cứu hộ. Trong ngày đầu tiên xảy ra tai nạn, thông tin về số người sống sót đã bị nói quá lên. Kết quả là số người được cứu và mất tích liên lục thay đổi.
Trong 5 ngày từ khi xảy ra thảm họa, con số nạn nhân, người sống sót và người mất tích bị thay đổi đến 6 lần. Lúc 10h sáng qua, chính phủ thông báo thêm 3 thi thể được tìm thấy. Vài phút sau, họ lại thông báo tìm thấy thêm 3 thi thể. Nhưng hóa ra cùng một phát hiện đã được báo cáo hai lần.
Cuối tuần qua, chính phủ nói rằng, con số hành khách và thủy thủ đoàn là 476, chứ không phải là 475 như thông báo trước đó, và số người được cứu là 174, không phải 179.
Hôm 16/4, thông báo đầu tiên nói rằng 370 người được cứu, nhưng sau đó được sửa thành 174. Những sai sót này khiến gia đình những người đang mất tích không tin vào khả năng giải quyết thảm họa của chính phủ.
Phản ứng của các gia đình khiến một số quan chức lo ngại chuyện này có thể trở thành vấn đề chính trị quốc gia. Năm đội thợ lặn đang tìm kiếm từ 5 hướng khác nhau dựa vào dây thừng nối từ bề mặt vào bên trong chiếc phà.
Có 204 tàu, 34 máy bay và khoảng 560 thợ lặn đang tham gia chiến dịch tìm kiếm, trong điều kiện hải lưu vẫn rất mạnh và tầm nhìn hạn chế, Yonhap đưa tin hôm qua.
Thuyền trưởng và hai thành viên khác của thủy thủ đoàn đang bị tạm giam, bị cáo buộc lơ là nhiệm vụ và vi phạm luật hàng hải. Giới chức Hàn Quốc hôm 19/4 nói rằng, chiếc phà được điều khiển bởi một người thiếu kinh nghiệm trong khi phà gặp nạn.
Giới điều tra hiện giờ tập trung vào việc phà đã bị chuyển hướng đột ngột trước khi bắt đầu nghiêng và liệu lệnh sơ tán có cứu được mọi người hay không. Một số chuyên gia tin rằng, việc Sewol chuyển hướng đột ngột đã khiến hàng hóa nặng bị xáo trộn, khiến phà mất cân bằng, còn một số người cho rằng, phà đã va vào đá ngầm.
Tin nhắn và các cuộc gọi điện thoại của những người trên phà cho thấy hành khách bị kẹt trong các hành lang đông đúc, nên không thể thoát ra. Thủy thủ đoàn đã hướng dẫn hành khách tiếp tục ở trên phà ngay cả khi nó đã bị nghiêng hẳn về một bên.
Vẫn chưa tìm thấy bố mẹ bé gái gốc Việt
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, người thân chị Phan Ngọc Thanh, mẹ của bé gái 5 tuổi Kwon Ji-yeon sống sót sau vụ chìm phà, bay tới thủ đô Seoul tối 19/4 rồi đi tàu hỏa đến thành phố Mokpo, tỉnh Jeolla Nam, có mặt tại hiện trường vụ tai nạn ngày 20/4.
Cán bộ Đại sứ quán đã có mặt tại hiện trường từ ngày 18/4 để theo dõi tình hình, hỗ trợ gia đình chị Thanh và phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Gia đình và Bình đẳng giới, Cơ quan Cảnh sát biển Hàn Quốc để tiếp tục xử lý vụ việc.
Mẹ của bé Kwon là chị Phan Ngọc Thanh (SN 1985, quê Cà Mau) lấy chồng Hàn Quốc rồi nhập quốc tịch Hàn Quốc năm 2013 với tên mới Han Yun-ji. Trước khi lên chuyến phà định mệnh hôm 16/4 với đích đến là đảo Jeju, vợ chồng chị Thanh sống ở thủ đô Seoul cùng con gái 5 tuổi và con trai 6 tuổi Kwon Hyuk-kyu.
Báo Hàn Quốc Korea Times và Korea Joongang Daily đưa tin, chồng chị Thanh, anh Kwon Jae-geun (51 tuổi, công nhân vệ sinh), quyết định chuyển cả gia đình về định cư ở Jeju, nơi anh từng sinh sống. Anh quyết định trở thành nông dân chuyên nghiệp, với kế hoạch trồng quýt quy mô lớn trên đảo. Đến nay, vợ chồng anh và con trai vẫn mất tích, con gái được cô ruột đón về gia đình.