Lo nhưng không quản lý được?
Liên quan đến vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn phường Trung Văn (Nam Từ Liêm), theo báo cáo của công an huyện Nam Từ Liêm, khu vực xảy ra vụ cháy là các xưởng, kho được xây dựng tạm, xen kẽ với khu dân cư trên đất lấn chiếm giáp sông Nhuệ. Các kho, xưởng đều có kết cấu khung thép, mái tôn, tường xây lửng bằng gạch, phía trên bịt tôn. Tổng diện tích 4 kho, nhà xưởng khoảng 900m2. Chiều 12/4, ông Phùng Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND phường Trung Văn xác nhận, các nhà xưởng được xây dựng trên đất lấn chiếm ven sông Nhuệ. Ông Dũng cũng cho biết, tình trạng nhà xưởng xây dựng trên đất lấn chiếm không chỉ xảy ra trên địa bàn phường Trung Văn.
“Dọc hai bên sông Nhuệ thì không riêng gì phường Trung Văn mà có rất nhiều, lên tới hàng nghìn hộ. Nếu có chủ trương, giải tỏa được hết thì là điều tuyệt vời. Vì để như thế thì tiềm ẩn nhiều vấn đề khác về trật tự xã hội, như vừa xảy ra vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản sáng 12/4”, ông Dũng nói.
Cụ thể, theo ông Dũng, qua rà soát, trên địa bàn phường, dọc hai bên bờ sông Nhuệ có 50 - 60 nhà xưởng, diện tích 5 - 7.000m2. “Qua rà soát, bình quân mỗi nhà xưởng có diện tích khoảng 100 - 200 m2. Bây giờ vẫn chưa rà soát hết”, ông Dũng nói. Trước câu hỏi của phóng viên về tình trạng mấy năm gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà xưởng tạm trên địa bàn, ông Dũng xác nhận tình trạng này, đồng thời cho biết, các cơ sở tái chế nhựa thì khó đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
“Lo thì lo nhiều lắm. Phường cũng đi kiểm tra nhưng còn do ý thức người dân. Mà thực ra thẩm quyền của phường cũng hạn chế nhiều. Thành phố, quận phải quyết liệt như nào chứ tình trạng này thì nguy cơ xảy ra không biết thế nào”, ông Dũng nói thêm.
Về việc PCCC của các nhà xưởng này, ông Dũng cho biết, chính quyền cũng đã và đang rà soát nhưng chưa hết đồng thời đề nghị, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn về PCCC. Theo ông Dũng, sau vụ việc, chắc chắn thành phố sẽ có chỉ đạo giải quyết triệt để tình trạng này, đặc biệt có kế hoạch quản lý đất dọc sông Nhuệ.
“Chứ bây giờ nhà xưởng xây dựng gần như kín hết, không quản lý được”, ông Dũng nói. Liên quan đến trách nhiệm quản lý địa bàn, ông Dũng nói tới đây, trách nhiệm tới đâu sẽ thực hiện đến đó. “Tới đây phải tăng cường kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý chặt chẽ. Các cơ quan, sở ngành cấp giấy phép cho các Cty thì phải đảm bảo các điều kiện về PCCC và an ninh trật tự. Nhiều khi người ta được cấp giấy phép nhưng không làm thì rất khó khăn trong công tác quản lý của địa phương”, ông Dũng nói.
Nguy cơ được báo trước
Hà Nội từng xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là liên quan đến nhà xưởng sản xuất. Hồi năm 2017, một vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo ở Hoài Đức cũng khiến 8 người chết. Trong đợt giám sát năm 2018, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã chỉ rõ còn hàng trăm cụm công nghiệp, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, các nhà xưởng xen lẫn khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại ở các chung cư dễ xảy ra cháy nổ. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã phối hợp với Cảnh sát PCCC rà soát danh sách 1.147 cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05 của HĐND thành phố quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC (được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC 2001) trong chức năng quản lý của Sở.
Về các lĩnh vực như cửa hàng kinh doanh gas hóa lỏng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, điện lực, Sở cũng đã có các văn bản, yêu cầu các đơn vị chức năng, phối hợp các quận huyện rà soát... Đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, danh sách 1.147 cơ sở còn sót lọt nhiều như các cửa hàng, kho kinh doanh gas nằm đan xen trong khu dân cư, hay như các làng nghề, cụm công nghiệp, trạm điện...
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam nói hiện nay, các trung tâm thương mại 24/24 nằm ở các chung cư khiến ông rất lo ngại về nguy cơ cháy nổ. Một số nơi thậm chí còn bịt cả cầu thang thoát nạn. Cùng với đó, các cụm công nghiệp, làng nghề chưa được rà soát. “Cụm, điểm làng nghề chưa được rà soát. Ngoài việc quan tâm đến nước thải thì cũng phải quan tâm đến mất an toàn PCCC. Cần phải bổ sung vào danh sách theo dõi”, ông Nam nói.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong 86 cụm công nghiệp, có 19 cụm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, vấn đề PCCC cơ bản được đáp ứng. Còn các cụm khác do ban quản lý dự án cấp quận, huyện, xã quản lý đang đầu tư dở dang. Sở đã trình văn bản lên thành phố yêu cầu kiểm tra, rà soát, bổ sung xây dựng hạ tầng còn thiếu. Ngoài ra, còn 1.350 làng nghề, làng có nghề công tác PCCC gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, mất an toàn....
Cuối năm 2018, Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác PCCC đã chỉ rõ hạn chế: công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, cơ sở còn không ít sơ hở, cơ chế quản lý chưa rõ ràng, chặt chẽ nên việc kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm về an toàn PCCC còn chậm và sót lọt. Đặc biệt, hiện có 954/1.586 cơ sở tồn tại, thiếu sót, vi phạm các điều kiện an toàn về PCCC...
Khởi tố điều tra vụ cháy khiến 8 người tử vong
Tối 12/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, quy định tại Điều 313 – Bộ luật Hình sự để điều tra, làm rõ vụ cháy xưởng sản xuất thùng rác bằng nhựa, xảy ra vào rạng sáng cùng ngày tại ngõ 1 phố Đại Linh, thuộc phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) khiến 8 người tử vong. (Nguyễn Hoàn)