> Tối 26-4, HLV Lê Minh Khương lại đi Vietnam Airlines
> Ông Khương gặp Cục Hàng không, tiếp viên gặp thanh tra
> Kêu cứu
Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, thêm hành khách người Việt Nam ngồi trên khoang hạng thương gia cũng đã gửi văn bản tới hãng vận chuyển (Vietnam Airlines-VNA) phản ánh sự việc và tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm chứng khi cần thiết.
Ngày 26-4, VNA đã nhận được văn bản do văn phòng luật sư đại diện pháp lý của võ sư Lê Minh Khương gửi yêu cầu được tiếp xúc với hãng vận chuyển để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong chiều cùng ngày, võ sư Khương nói: “Nói chung, cho đến giờ phút này, cả hai bên chả ai tuyên bố cái gì cả, cho đến khi có kết luận chính thức từ Cục Hàng không Việt Nam (HKVN). Cứ để những người có chức năng làm việc. Việc đối chất thì nên dẹp bớt đi để đỡ mất thời gian, công sức. Rạng sáng 27-4, tôi sẽ đi máy bay của VNA để công tác Hàn Quốc”.
Võ sư Khương cho biết, sức khỏe của ông đã khá hơn.
Thông tin từ Cục HKVN, vị khách người Việt Nam (một trong ba khách ngồi ở khoang thương gia) là người có địa vị trong xã hội, sẵn sàng đứng ra làm chứng vụ việc khi có yêu cầu.
Theo thông tin ban đầu, Cục HKVN đã xác định được người nào có lỗi trong vụ việc vừa qua, nhưng dự kiến sau ngày nghỉ lễ sẽ công bố kết luận cuối cùng. Theo đó, khung hình phạt cho người vi phạm thấp nhất là 500.000 đồng.
Về thông tin nữ hành khách người Singapore lên tiếng có lợi cho phía VNA trong khi bà này đang là đại lý bán vé máy bay cấp hai cho hãng, Cục phó HKVN Lại Xuân Thanh cho rằng: Nếu có mối quan hệ mật thiết thì chỉ có giữa các đại lý cấp một với VNA. Bởi vì, các đại lý cấp một là đơn vị nhận vé và có hợp đồng với VNA. Đại lý bán vé cấp hai chỉ có quan hệ với đại lý cấp một.
Trên thực tế, mỗi đại lý bán vé máy bay cấp một lại có rất nhiều đại lý bán vé máy bay cấp hai (chủ yếu là các công ty lữ hành du lịch, xuất khẩu lao động... kiêm bán vé máy bay để tránh phải chiết khấu phần trăm).
“Kể cả công ty của bà hành khách đó là đại lý bán vé máy bay cấp một thì cũng không có nghĩa lý gì, khi Cục vào cuộc khôi phục lại sự việc một cách khách quan”, Cục phó Thanh nói.
Hỏi: Khi máy bay phải chuyển hướng hạ cánh như trường hợp chuyến bay chở võ sư Khương, liệu hành khách có quyền xuống máy bay? Chánh thanh tra Cục HKVN Nguyễn Trọng Thắng giải thích: Hành khách có quyền đó.
“Việc tự nguyện bỏ hành trình do mệt mỏi hay lý do nào đó là quyền tự do đi lại của hành khách. Kể cả khi chuyến bay chỉ đỗ 10 phút rồi bay, hành khách cũng có quyền không tiếp tục hành trình. Tiếp viên chỉ có thể động viên khách ở lại mà thôi”.
Liên quan vụ việc võ sư Khương bị áp giải, ông Thắng cho biết, Thanh tra Cục HKVN đang dựng lại diễn biến sự việc và xác minh thêm thông tin.
Đình Thắng
Vinastas sẵn sàng vào cuộc
Trao đổi với báo điện tử Dân Việt chiều 26- 4, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết: Những ngày qua, lãnh đạo hiệp hội liên tục theo dõi sát thông tin vụ việc giữa ông Lê Minh Khương và Vietnam Airlines. Trong cuộc họp Thường trực hiệp hội sáng qua, lãnh đạo Hiệp hội cũng đã đưa vấn đề này ra thảo luận.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về phản ứng của Hiệp hội về sự việc, đặc biệt là việc Vietnam Airlines định “cấm bay” đối với ông Khương, cho rằng ông Khương đã có hành vi gây rối trên máy bay khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng, ông Hùng cho biết: Hiện nay, do Hiệp hội chưa có thông tin chính thức nào, mà chỉ mới tham khảo qua báo chí nên chưa thể có ý kiến, dù rất quan tâm.
“Nếu anh Khương có yêu cầu bằng văn bản gửi đến Hiệp hội, chúng tôi sẵng sàng vào cuộc” - Ông Hùng nói.
Đ.T.T tổng hợp