> 10 bức ảnh đẹp ấn tượng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thời gian sống của vị danh tướng Võ Nguyên Giáp cũng là chất lượng sống, và hơn thế, thời gian ấy đã trường tồn cùng đất nước, dân tộc.
Khoảng cuối năm 1988, nhân báo Tiền Phong đăng bài thơ chữ Hán của Bác chống gậy lên non xem trận địa... kèm tấm ảnh Hồ Chủ tịch trực tiếp lên trận địa trong chiến dịch Biên giới 1950. Một số bạn đọc biên thư về hỏi trong tấm ảnh, ngoài Bác là những ai? Ai còn ai mất?
Chúng tôi nghĩ, cách tốt nhất có lẽ là hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng nghĩ vậy thôi chứ việc gặp Đại tướng không dễ. Nhưng rồi qua vài mối quan hệ và mấy ngày chờ đợi, cuối cùng cũng nhận được hồi âm từ Văn phòng Đại tướng, Đại tướng đồng ý với yêu cầu của chúng tôi.
Chiều đó hơi rét nhưng tạnh ráo, Đại tá Nguyễn Huyên, sĩ quan giúp việc cho Đại tướng đón nhóm phóng viên gồm nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, phóng viên ảnh Phạm Yên và tôi từ cổng. Đây là lần đầu tiên, chúng tôi đến tư gia của Đại tướng.
Cảnh trí khu vườn rộng thênh, nhiều chỗ níu mắt níu chân chúng tôi vì tò mò. Lại nhiều thứ muốn hỏi nữa khi bước vào căn phòng khách giản dị và hình như có khác với cung cách bài trí hơi bị rườm rà sau này?
Bên ấm trà mới pha hôi hổi nóng, Đại tá Huyên chừng đoán trước vẻ mau miệng lẫn lắm mồm của đám nhà báo nên dặn luôn rằng Đại tướng rất bận chỉ làm việc với các anh chừng 30 phút, liệu mà thu xếp bố trí câu hỏi. Vừa nói đến đó thì Đại tướng xuất hiện bên cửa ngách căn phòng.
Quen thấy vị Tổng tư lệnh quân đội thường xuất hiện trong sắc phục nhà binh nay nom Đại tướng thoải mái trong bộ đồ mặc nhà tôi thấy là lạ nhưng lại có ngay một cảm giác gần gũi nhất là khi Đại tướng cười hồn hậu các cậu uống nước đi. Mà này, biết yêu cầu của nhà báo ra sao mà gia hạn chỉ có 30 phút?
Cặp mắt không dùng kính của Đại tướng ánh lên những nét là lạ khi ông ngồi một lúc trước tấm ảnh...
Tôi đâm lo lo vì yêu cầu của chúng tôi có vẻ ngớ ngẩn? Làm sao Đại tướng thỏa mãn yêu cầu của chúng tôi khi bộn bề nhiều việc như đại tá Huyên nói? Lại nữa một sự kiện trận mạc đã lùi xa ngót 40 năm? Với cương vị Tổng Tư lệnh mặt trận làm sao Đại tướng bao quát hết mọi thứ lại nhớ cho ra những thứ bé mọn kia? vv...
Hình như Đại tướng đang xúc động? Chất giọng trầm ấm nhưng hơi đanh, bàn tay phải đưa lên đưa xuống lúc khoan thai lúc dứt khoát, chuyện với ba anh em chúng tôi mà như nói trước hàng quân...
Đại tướng nói đến tầm quan trọng của chiến dịch Biên giới trên cục diện chiến trường thời điểm đó ra sao? Nếu thất bại thì phần lớn quân số đạn dược tích cóp qua mấy năm kháng chiến sẽ gây thảm họa đến như thế nào? Việc khai thông mở cửa của Việt Nam kháng chiến với các nước XHCN thông qua ngả Trung Hoa quan trọng đến như thế nào? Vv... và vv... Vậy nên quyết định mở chiến dịch Biên giới. Tất cả các tầm cấp đã phải đắn đo tính toán kỹ càng đến như thế nào và đặc biệt trận này Bác dặn Đại tướng, chỉ có thắng không được bại! Và Người đã bí mật trực tiếp lên quan sát binh tình địch trước giờ nổ súng.
Thật bất ngờ chất giọng của Đại tướng trầm xuống khi ông đọc nguyên văn bài thơ của Bác bằng chữ Hán Huề trượng đăng sơn quan trận địa/ Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân/ Nghĩa quân tráng khí thôn ngưu đẩu/ Thề diệt sài lang xâm lược quân (Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy).
Ống tay sơmi xắn lên hai gấu, bàn tay với những ngón thon mảnh của Đại tướng lúc lia, lúc khoát trên mặt bàn giữa mấy cuốn sổ và cốc trà để giúp thứ nhỡn lực dân sự chúng tôi dễ hình dung ra tai họa nếu hai cánh quân hai binh đoàn của Lơ Sactông và Lơ Pagiơ gặp nhau ra sao và ta đã vây đánh chia cắt vô hiệu hóa như thế nào? Chiến dịch với những tổn thất không nhỏ nhưng ta đã thắng đã giành được ưu thế trong tầm cấp chiến lược. Đại tướng còn gợi ý chúng tôi nên tham khảo thêm cuốn Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để biết thêm về chiến dịch lịch sử này!
Tôi kín đáo ngó đồng hồ thấy 30 phút vèo qua từ hồi nào may mà đại tá Huyên chưa thấy ra nhắc nhở gì...
Khi cầm tấm ảnh lên, bất đồ ông hỏi chúng tôi có biết tác giả là ai không? Giờ nghĩ lại còn thấy ngớ ngẩn bởi mãi đến tận thời điểm ấy mà chúng tôi vẫn chưa biết lại còn mang máng đâu như là Đinh Đăng Định nữa chứ? Vẫn cái cười hồn hậu, Đại tướng cho chúng tôi biết tác giả tấm ảnh là Vũ Năng An.
Trí nhớ của Đại tướng thật đáng nể. Ngay vài chi tiết ông sơ khởi về tác giả tấm ảnh cũng đủ bừng dậy một chân dung nếu như muốn viết về tác giả này. Vào Sài Gòn kiếm sống từ rất trẻ. Cũng là tác giả bức ảnh đánh chiếm Phủ Khâm sai in trên sách giáo khoa.
Sau đó Vũ Năng An vào quân đội và làm tại Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh và Cục Tuyên huấn Tổng cục chính trị. Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, Vũ Năng An được điều về làm công tác nhiếp ảnh tại Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Bữa đó, chiều mùa đông năm 1950, quãng gần Đèo Mã Phục, trời khá rét, Bác Hồ dùng ống nhòm khi đó gọi là ống viễn kính để quan sát cứ điểm của địch. Tấm ảnh này có được có lẽ từ Vũ Năng An đứng ở vị trí vách núi bên cạnh... Rồi Đại tướng chậm rãi chỉ cho chúng tôi, chính xác tên từng nguời trong tấm ảnh lịch sử ấy... Đó là Thái Dũng, Trung đoàn trưởng 308, Dũng Mã, Tiểu đoàn trưởng 36 phối thuộc và Thế Dũng, chính ủy Trung đoàn 102.
Tấm ảnh in trong bài mà bạn đọc đang có trong tay là lần chúng tôi lên nhà riêng của Đại tướng đưa bản thảo bài viết để Đại tướng coi lại. Rất tiếc bản thảo bài báo có những đoạn bút phê và những chỗ sửa chữa của Đại tướng, tôi đã để thất lạc ở đâu không rõ! Buổi duyệt phê đó cũng chả phải là chóng vánh. Đại tướng đọc rất kỹ chỉ ra những chỗ chưa chính xác, những đoạn cần thêm cần bớt rất chu đáo tỷ mỷ.
Tôi nhớ một lần được người bạn đồng nghiệp, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm xúc động kể lại chuyến tháp tùng Đại tướng thời điểm Đại tướng về thăm lại ATK Định Hóa:
“... Tôi có may mắn được 3 lần được gặp mặt Vị tướng huyền thoại của dân tộc. Lần thứ nhất vào ngày 22/12/1994, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập quân đội, tại địa danh lịch sử - Khu rừng Trần Hưng Đạo – nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Lần thứ hai là một chuyến Đại tướng về Định Hóa; nhưng do thời tiết xấu nên ông đã không vào được những địa danh nơi ông đã từng ở và làm việc. Vào tháng 8/1998 - lần thứ ba, tôi lại có vinh dự được ban biên tập cử đi phản ánh chuyến thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Thái Nguyên.
Đặc biệt, có một chi tiết mà tôi vẫn nhớ như in dù thời gian đã qua hơn 10 năm, đó là khi Đại tướng vào tham quan nhà trưng bày ATK tại Tỉn Keo. Khi ấy tại chính giữa nhà trưng bày có phóng to một bức ảnh về cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức ảnh có 5 người: Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một cán bộ quân đội đứng ngoài cùng.
Trầm ngâm giây lát trước bức ảnh này, Đại tướng chợt nói: “Không đúng ! Bức ảnh này của thời điểm khác”.
Do tôi đứng rất gần Đại tướng nên nghe rất rõ ông nói như vậy. Khi ấy, nhiều người cùng đi và các cán bộ Bảo tàng của tỉnh đã hết sức ngỡ ngàng và xúm quanh Đại tướng đề nghị ông nói rõ thêm.
Đại tướng thong thả cho biết, thời điểm ấy chỉ có 4 người có mặt tại cuộc họp lịch sử này. Đại tướng kể lại “Cuộc họp ở Tỉn Keo” do Hồ Chủ tịch chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị. Dự họp có các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Không phải là 5 người. Trong cuộc họp lịch sử ấy, sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày phương án tác chiến, đôi mắt Bác rất chăm chú, bàn tay Bác trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ, ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Khi đó, bàn tay Bác mở ra mỗi ngón tay trỏ về một hướng. Đó chẳng đã là chỉ đạo mang tính chiến lược tạo thế làm bật ra một Điện Biên Phủ đó sao? Sau khi luận bàn, Bộ Chính trị đã xác định phương châm tác chiến của ta là tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt. Hướng chính của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 là Tây Bắc.
Sau khi nói lại những chi tiết ấy rồi trầm ngâm trong giây lát, Đại tướng nói rõ ràng để mọi người cùng nghe Lịch sử chỉ xảy ra một lần. Nhưng viết sử thì có thể viết nhiều lần và có nhiều người viết. Nhưng điều quan trọng là phải tôn trọng sự thật lịch sử.
Lời nhắn nhủ của Đại tướng không chỉ với những người có mặt hôm ấy mà cũng là nhắc nhở các thế hệ hôm nay và về sau phải tôn trọng sự thật lịch sử. Là nhà báo có mặt trong chuyến đi ấy, tôi càng thấm thía lời dạy đầy ý nghĩa của ông với thế hệ hôm nay”.
Ghi chép của Xuân Ba