Vợ chồng trẻ kỳ ngộ nơi tuyến đầu

TP - Suốt 8 tiếng đồng hồ anh Thành, chị Huệ trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, không ăn, không uống, không nghỉ, luôn tất bật chăm sóc bệnh nhân F0 trong buồng bệnh, với âm thanh quen thuộc là tiếng “tít, tít” của máy thở.

Đó là lịch trình làm việc mỗi ngày, diễn ra trong suốt 2 tháng ròng tại Bệnh viện Dã chiến số 16 TPHCM của đôi vợ chồng trẻ Tạ Văn Thành (SN 1989), Nguyễn Thị Huệ (SN 1992) cùng tình nguyện vào tuyến đầu.

Âm thầm viết đơn vào tâm dịch

Anh chị mới kết hôn hơn 6 tháng. Cả hai vợ chồng đều công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Thành là điều dưỡng khoa Nhi, còn chị Huệ là điều dưỡng khoa Thần kinh.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ tại Bệnh viện Dã chiến số 16 TPHCM

Khi dịch COVID-19 ở TPHCM phức tạp, không bàn, không hẹn, nhưng cả hai vợ chồng anh Thành âm thầm cùng viết đơn tình nguyện vào Nam chống dịch.

Chiều tối 1/8, khi Khoa thông báo về đợt tình nguyện vào Nam chống dịch, chị Huệ đăng ký luôn mà không kịp thông báo cho người thân. Đến tối, khi về nhà thông báo cho chồng, chị mới hay tin anh Thành cũng mới viết đơn vào tâm dịch từ lúc chiều.

“Lúc đó, cả hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau cười, động viên nhau cùng chiến đấu. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình còn trẻ, khỏe, chưa vướng bận gì nhiều, những lúc đất nước, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh như thế này, mình cứ xông pha lên đường thôi”, chị Huệ chia sẻ.

Tối hôm đó, hai vợ chồng chị xếp vội vài bộ quần áo, rồi sáng hôm sau lên chuyến bay vào TPHCM. Vào đến nơi, chị Huệ mới gọi điện về báo cho bố mẹ biết chuyện, khiến cả nhà không khỏi lo âu.

“Tôi cũng mong các bạn trẻ, chúng ta hãy cố gắng, hăng hái xung phong, không ngại gian khó, hiểm nguy, mỗi người đóng góp bằng việc làm, hành động dù nhỏ nhất để chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh”.

Điều dưỡng Tạ Văn Thành

“Lúc đầu, bố mẹ hai bên cũng hơi hoang mang. Nhưng rồi, sau đó, ông bà cũng nhanh chóng trấn an, động viên chúng tôi cố gắng, nỗ lực để cứu chữa bệnh nhân. Bố mẹ trở thành nguồn động viên tinh thần cho vợ chồng tôi sau mỗi ngày làm việc căng thẳng”, chị Huệ nói.

Bệnh viện Dã chiến số 16 TPHCM, với 500 giường bệnh là nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, phải lọc máu, thở máy, ECMO. Vì vậy, những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ, chị Huệ bị sốc khi chứng kiến nhiều bệnh nhân trở nặng, không qua khỏi. Chưa kể, nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái sợ hãi, hoảng loạn, giãy đạp cả nhân viên y tế.

Có bệnh nhân cứ khóc không ngừng, vì gia đình có 5 người bị bệnh nằm điều trị 5 nơi khác nhau, có mẹ vừa mất. “Chứng kiến cảnh đó, tôi vừa sốc, vừa thương, lòng quặn thắt như chính người thân mình. Vừa làm nhiệm vụ của một điều dưỡng, tôi vừa tìm mọi cách vỗ về, an ủi bệnh nhân”, chị Huệ bộc bạch.

Sức trẻ sẵn sàng

Từng tình nguyện đi chống dịch một tháng tại Hà Nam, anh Thành hiểu phần nào sự căng thẳng khi phải xoay xở trong đại dịch. Thế nhưng, khi vào TPHCM, có lúc anh rơi vào cảm giác bất lực. Vì mỗi ngày, anh chứng kiến lằn ranh giữa sự sống và cái chết thật mong manh.

Nhiều hôm đang làm thủ tục nhận bệnh nhân bên giường này, thì giường bên cạnh bệnh nhân tim ngừng đập, cả kíp lại hối hả hô hấp, ép tim cứu chữa. Ám ảnh nhất với anh là việc nhiều bệnh nhân trẻ tuổi không vượt qua được sự quái ác của đại dịch.

“Bản thân tôi trực tiếp cứu chữa và chứng kiến 2 bệnh nhân trẻ, một người 17 tuổi, một người 21 tuổi ra đi. Cảm giác rất đau lòng và bất lực! Dù rằng, cả kíp đã nỗ lực hết mình, tìm mọi cách cứu chữa”, anh Thành chia sẻ và đúc rút rằng: “Chúng tôi tự trấn an nhau phải mạnh mẽ, phải có sức khỏe, không được gục ngã, và nỗ lực, làm việc hết mình vì sức khỏe bệnh nhân”.

Mỗi ca trực của anh Thành, chị Huệ kéo dài 8 tiếng đồng hồ liên tục. Suốt thời gian đó, trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, không ăn, không uống, không nghỉ, anh chị luôn tất bật chăm sóc bệnh nhân F0 trong buồng bệnh.

Chị Huệ chia sẻ, thời điểm tháng 8, thời tiết TPHCM nắng nóng đỉnh điểm, mặc bộ quần áo bảo hộ vài phút là mồ hồi túa ra ướt đẫm, da nhăn nhúm, mặt hằn những vết đeo khẩu trang. Nhiều y, bác sĩ da tay bị bong tróc, viêm ngứa, nhưng không dám gãi trong buồng bệnh vì sợ nguy cơ lây dịch bệnh.

“Câu thần chú chúng tôi thường nói với bệnh nhân, mọi người cùng cố gắng, sắp được về nhà rồi. Vì cứ nghe nói được về nhà là bệnh nhân như có được nguồn sức mạnh vô bờ”, anh Thành nói và cho biết: “Hình ảnh đẹp nhất, chúng tôi mong chờ nhất là những bệnh nhân khỏi bệnh, nở nụ cười tươi, cúi đầu chào, cám ơn bác sĩ ra về. Đó là thành quả ngọt ngào nhất mà cả ê kíp đều nỗ lực, mong đợi”.

Vợ chồng anh Thành, chị Huệ hạnh phúc đời thường

Đầu tháng 10, sau hơn 2 tháng tình nguyện chống dịch, vợ chồng anh Thành hoàn thành nhiệm vụ, trở về Hà Nội. Chia tay TPHCM, đôi vợ chồng trẻ rưng rưng khi nhìn thấy Bệnh viện Dã chiến số 16 trống dần các bệnh nhân. Và niềm vui được nhân lên gấp bội, khi trở về, Hà Nội cũng tạm thời kiểm soát được dịch bệnh, dần đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.