> Học sinh chung tay bảo vệ động vật trong Sách Đỏ
Mê Voọc, nên duyên
Câu chuyện vợ chồng anh Larry Olibarri (33 tuổi, quốc tịch Mỹ), nghiên cứu sinh về loài Voọc chà vá Việt Nam.
Năm 2005, khi đang là sinh viên trường Đại học Colorado (bang Colorado miền Trung nước Mỹ), Larry Olibarri trong lần tìm hiểu tư liệu về động vật sách đỏ, đã chú ý đặc biệt tới loài Voọc. Anh đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu về loài vật này. Vùng đất xuất hiện nhiều loài voọc là khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng, Việt Nam).
Ba năm sau, anh đến Đà Nẵng, liên hệ với Sở KH&CN Đà Nẵng để được trực tiếp nghiên cứu tại bán đảo Sơn Trà. Trong lần mở rộng chuyến khảo sát tới rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), chàng trai vô tình gặp “chị”, TS Ulrike Streicher (chuyên gia động vật học người Đức), đang làm việc cho tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội về bảo tồn động vật quý hiếm.
Chỉ vài lần trao đổi thông tin chuyên môn, Larry bị chinh phục bởi vẻ nhiệt tình, sôi nổi và đầy nhiệt huyết của nữ tiến sĩ.
Chưa đầy nửa năm sau, họ lập gia đình và định cư ở Việt Nam, bất chấp khoảng cách tuổi tác và địa lý. Chị Ulrike cười bảo: “Larry trẻ nhưng cả hai cùng đam mê nghiên cứu về loài Voọc, các loài động vật sách đỏ. Điều đó giúp xóa bỏ sự “khập khiễng” tuổi tác và giúp chúng tôi hiểu, gắn bó hơn”.
Chuyển hẳn về Đà Nẵng, tuần nào cũng thế, hai vợ chồng Larry vào khu rừng bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà.
Vợ chồng Larry cuốc bộ vào rừng từ 5 giờ sáng, và kết thúc lúc tối muộn. “Sợ nhất là gặp bẫy thú của các tay săn trộm. Bẫy hầu như nằm dọc mọi con đường, sơ ý có thể chấn thương” - Larry kể. Tiếp cận Voọc không đơn giản, bởi thấy người lạ, chúng lẩn nhanh, trốn khỏi tầm mắt.
Gần một năm, Larry mới gây được “thiện cảm” với những chú voọc chà vá chân đỏ Sơn Trà. Larry lý giải, nếu Voọc cảm nhận sự vô hại của mình sẽ rất dễ tiếp cận. Lần đầu tiên, một chú Voọc nhảy xuống cành cây bên cạnh, để Larry nhìn, rồi leo lên vai anh, chạy nhảy thân thiện, cho cả 2 vợ chồng ôm bế. Chúng còn tìm cách dẫn chàng nghiên cứu sinh đi về phía gia đình của mình.
TS Ulrike nói: “Trực tiếp khám phá, nghiên cứu Sơn Trà, chúng tôi nhận ra nó chẳng khác nào một báu vật của Đà Nẵng. Khu bảo tồn còn “một di sản thiên nhiên thế giới” có một không hai là loài Voọc. Trên thế giới, chỉ còn Sơn Trà tồn tại loài Voọc chà vá chân đỏ. Nếu nó tuyệt chủng thì cũng có nghĩa tuyệt chủng trên toàn thế giới”. Hai vợ chồng Larry cẩn thận lưu giữ lại từng bức hình chụp loài Voọc còn sót lại trên bán đảo Sơn Trà.
“Không phải mình tìm hiểu về thiên nhiên, động vật mà chính nó đang ban tặng mình những cảm nhận không dễ gì có được”, Larry nói.
Bỏ tiền túi làm triển lãm
Gặp Larry trong triển lãm Bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà và miền Trung Việt Nam tại khuôn viên trường THCS Lý Tự Trọng (Sơn Trà, Đà Nẵng), anh tất bật công việc lau chùi tỉ mỉ từng bức ảnh, giới thiệu cho những người quan tâm.
Nghiên cứu của hai vợ chồng Larry cho thấy, tại Sơn Trà hiện có 985 loài thực vật, 36 loài thú, 106 loài chim, 23 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 113 loài côn trùng. Rất nhiều trong số đó có tên trong Sách đỏ Việt Nam cũng như trong danh sách của Hiệp hội Thế giới vì thiên nhiên.
Theo Larry, tại Sơn Trà chỉ còn 150 - 160 cá thể Voọc chà vá chân đỏ. Tính riêng từ năm 2007 đến 2010, số lượng Voọc chà vá chân đỏ tại rừng Sơn Trà đã giảm khoảng 15%.
Mối lo nhất hiện nay là nạn săn bắt động vật trái phép đang diễn biến phức tạp tại khu bảo tồn. Năm 2010, kiểm lâm Đà Nẵng thu giữ 5 con Voọc còn sống từ các tay săn trộm, “nhưng chúng tôi ước đoán ít nhất mỗi tháng lại có một con Voọc bị săn trộm” - Larry lo lắng.
Ulrike cũng ái ngại: “Hai mối đe dọa trực tiếp đã tác động tới đa dạng sinh học ở Sơn Trà. Đó là việc phát triển du lịch biển đã xâm nhập sâu hơn vào đời sống các loài vật, thu hẹp môi trường của chúng. Việc phá cây đã chia rẽ cuộc sống động vật, tạo điều kiện cho con người săn trộm.
Đau đáu trước mối lo ngại này, hai vợ chồng Larry tự tổ chức các cuộc triển lãm nhằm giới thiệu sự đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà, tăng tính cộng đồng bảo vệ môi trường của những loài động vật quý hiếm.
Tháng 1 này, hai vợ chồng triển lãm khắp các trường học quận Sơn Trà để tác động và xây dựng nhận thức bảo vệ thiên nhiên cho học sinh, bắt đầu tại trường THCS Lý Tự Trọng. Tổng số tiền để làm triển lãm được hai vợ chồng dành dụm, từ những đồng lương, thu nhập công việc của họ...?
“Nguy cơ tuyệt chủng của loài Voọc mách bảo chúng tôi cần phải tuyên truyền, vận động nhiều hơn nữa. Nếu không sẽ phải trả giá đắt” - TS Ulrike nói.
Đề tài nghiên cứu của Larry sẽ tiếp tục triển khai đến năm 2013. Anh đang ấp ủ dự định đem triển lãm đến nhiều nơi trên khắp Việt Nam và thế giới.
Trên thế giới, chỉ còn Sơn Trà tồn tại loài Voọc chà vá chân đỏ. Nếu nó tuyệt chủng thì cũng có nghĩa tuyệt chủng trên toàn thế giới. Nhưng, nguy hiểm hơn, cái nguy cơ, nỗi lo ấy lại có thể thành hiện thực. Việc bảo vệ và cứu lấy loài chà vá chân xám là bảo vệ và cứu lấy cả thế giới”. - TS Ulrike Streicher