Vợ chồng nhà khoa học Việt kiều và chuyện tình thương

TP - GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc là hai nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng thế giới với những công trình nghiên cứu mang tầm “cách mạng”. Thế nhưng câu chuyện họ kể ở Văn phòng Chủ tịch nước sáng qua (8/7) lại thấm đẫm tình yêu, tình thương hơn là sự nghiệp nghiên cứu rực rỡ.

Không có gì quan trọng bằng tình yêu

Sáng qua ở Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Huân chương Hữu nghị cho GS Trần Thanh Vân và vợ là GS Lê Kim Ngọc. Đây là phần thưởng cao quý nhất cho người quốc tịch nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Hai vợ chồng GS Vân - Ngọc là Việt kiều Pháp.

Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu vắn tắt đóng góp của hai vợ chồng GS: “Năm 1972 thành lập Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp. Năm 1974 xây dựng, hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng trẻ em làng trẻ SOS Đà Lạt; năm 2005 xây dựng và hỗ trợ nuôi dưỡng làng trẻ SOS Đồng Hới; năm 2000 là Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân (Huế)”.

Vì sao hai nhà khoa học nổi tiếng lại dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ mồ côi? Câu hỏi được GS Trần Thanh Vân thay vợ trả lời: “Ngọc (cách GS Vân gọi vợ-PV) mồ côi mẹ năm 2 tuổi. Tôi mồ côi cả cha mẹ năm 12 tuổi. Chúng tôi được quan tâm và yêu thương rất nhiều để có ngày hôm nay. Vì thế chúng tôi muốn mang đến cho các em tình thương của cha mẹ, của anh chị em. Tình nghĩa gia đình là trụ cột cuộc sống. Ở đời không có gì quý hơn tình yêu, tình thương, tâm hồn sâu sắc, ngay khi bạn có một trí tuệ tốt”.

Tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ

Năm 2013, sự kiện Gặp gỡ Việt Nam gây ấn tượng mạnh ở trong nước bởi sự tham gia của 5 nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý  và Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) cùng hơn 200 nhà khoa học đến từ 30 quốc gia.  Cuộc Gặp gỡ Việt Nam 2013 do vợ chồng GS Trần Thanh Vân tổ chức. GS Trần Thanh Vân chia sẻ với Tiền Phong: “Tôi thấy Việt Nam có nhiều chủ trương để thu hút các nhà khoa học Việt kiều về nước nhưng theo tôi, đó là việc phụ. Tương lai của Việt Nam nằm ở các nhà khoa học trẻ. Cái quan trọng nhất của nền khoa học Việt Nam là tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ có điều kiện vươn lên và phát triển”.

Từ năm 2001, vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc đã vận động GS Odon Vallet, trường Đại học Sorbonne (Pháp) tặng học bổng cho 25 nghìn học sinh, sinh viên Việt Nam với số tiền lên đến 120 tỷ đồng. “Tôi muốn hỗ trợ trẻ em Việt Nam không chỉ khi xảy ra thiên tai, sự cố mà là sự hỗ trợ lâu dài, giáo dục các em để có thể hãnh diện khi ra quốc tế, nâng cao hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế”.

Phát biểu trong lễ trao tặng huân chương, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chia sẻ sự khâm phục đối với vợ chồng nhà khoa học: “Tôi khâm phục sự vươn lên trong hoàn cảnh mồ côi của hai nhà khoa học. Khâm phục tinh thần hướng về quê hương, Tổ quốc, khâm phục mong muốn của hai nhà khoa học, muốn thế hệ trẻ, con cháu của chúng ta phải hãnh diện với quốc tế”.

Ở tuổi ngoài 80, hai vợ chồng GS Vân-Ngọc vẫn còn nhiều kế hoạch cho trẻ mồ côi, học sinh, sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam. GS Trần Thanh Vân cho biết năm 2016, ông bà sẽ tổ chức một hội nghị khoa học lớn với sự tham gia của lãnh đạo ngành khoa học các nước Asean, các nhà khoa học đạt giải Nobel. “Việt Nam sẽ không thể phát triển bền vững nếu không phát triển khoa học cơ bản”, GS Vân nói.

* GS.TS Trần Thanh Vân sinh năm 1936 tại Quảng Bình, tốt nghiệp Đại học Paris ngành Vật lý và Toán học. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về lĩnh vực vật lý hạt cơ bản năm 1963, tham gia giảng dạy tại Đại học Paris, là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm Viện sĩ danh dự, có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách về Vật lý.

* GS Lê Kim Ngọc, quê Vĩnh Long, tốt nghiệp Đại học Sorbonne (Paris), làm nghiên cứu sinh tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) của Pháp. Tác giả của nghiên cứu khám phá quy luật của quá trình nở hoa, được báo chí Pháp ca ngợi là “Cuộc cách mạng trong thực vật học”, tác giả của khái niệm “Lát mỏng tế bào”, được coi là cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật. Bà gặp GS Vân tại Pháp năm 1958 và nên duyên vợ chồng.