Omicron nhân lên nhanh hơn trong đường thở
Trong báo cáo (chưa được đánh giá ngang hàng) công bố hôm 15/12, nhóm chuyên gia Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết việc nghiên cứu về tốc độ nhân lên của virus chủng Omicron ở các bộ phận khác nhau của cơ thể có thể giúp giới khoa học dự đoán về tác động của biến thể này đối với con người.
Cụ thể, so với biến thể Delta, virus chủng Omicron có thể tự nhân lên nhanh hơn gấp 70 lần trong các mô bề mặt đường thở. Điều này tạo điều kiện để virus lây lan nhanh hơn từ người sang người.
Ở mô phổi, virus chủng Omicron tự nhân lên chậm hơn 10 lần so với phiên bản gốc, nên về lý thuyết bệnh nhân ít có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn.
Tuy nhiên theo trưởng nhóm nghiên cứu - bác sĩ Chan Chi-wai, “điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là mức độ nghiêm trọng của bệnh không chỉ phụ thuộc vào tốc độ nhân lên của virus, mà còn liên quan đến phản ứng miễn dịch của mỗi người, đôi khi chúng có thể tiến triển thành viêm, đe doạ tính mạng”.
“Bằng cách lây lan nhanh hơn, một loại virus vẫn có thể gây bệnh nặng hơn và tử vong mặc dù bản thân virus đã giảm độc tính. Kết hợp với các nghiên cứu gần đây của chúng tôi rằng biến thể Omicron có thể phần nào thoát khỏi khả năng miễn dịch từ vắc xin và từ lần nhiễm bệnh trước đó, chúng ta sẽ thấy mối đe doạ tổng thể từ biến thể Omicron là rất đáng kể”, bác sĩ Chan nói.
Omicron bám chặt hơn vào tế bào cơ thể người
Để hiểu rõ hơn về hành vi của biến thể mới, các nhà khoa học đã dựng mô hình máy tính của protein gai trên bề mặt virus chủng Omicron, từ đó phân tích các tương tác phân tử xảy ra khi protein gai của virus bám vào protein trên bề mặt tế bào là ACE2.
Joseph Lubin (thuộc Đại học Rutgers ở New Jersey, Mỹ) cho biết: nói dễ hiểu hơn, virus phải “bắt tay” với ACE2 để xâm nhập tế bào cơ thể người. Nhưng “cách bắt tay” của virus chủng Omicron “giống như một cặp đôi nắm tay nhau theo kiểu đan các ngón tay vào nhau”.
Khi virus xâm nhập cơ thể người, các kháng thể sẽ tấn công virus từ mọi phía, “giống như hàng thủ của một đội bóng bao vây một người chuyền bóng”. Với Omicron, một số kháng thể “dường như bị vô hiệu”, trong khi những kháng thể khác có thể vẫn còn hiệu quả.
Các phát hiện trên được đăng tải bởi trang web bioRxiv, nhưng chưa được đánh giá ngang hàng. “Mặc dù những dự đoán về cấu trúc phân tử của chúng tôi chưa phải là kết luận về Omicron, nhưng chúng tôi hy vọng những thông tin này có thể giúp cộng đồng khoa học toàn cầu phản ứng nhanh và hiệu quả hơn”, Lubin nói.
Cứ 10 F0 thì 4 người có thể vô tình lây lan virus
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA của nhóm chuyên gia Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), những người nhiễm bệnh không có triệu chứng có thể góp phần đáng kể vào việc lây truyền virus SARS-CoV-2.
Để đưa ra nhận định này, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu từ 77 nghiên cứu trước đó liên quan đến tổng số 19.884 người nhiễm SARS-CoV-2. Họ phát hiện ra rằng trong số những người bị nhiễm bệnh trong cộng đồng nói chung, khoảng 40% không có triệu chứng, 54% là phụ nữ có thai, 53% là người đi máy bay hoặc tàu thuyền, 48% là người sống/làm việc ở viện dưỡng lão, 30% là nhân viên y tế hoặc bệnh nhân nằm viện.
Tỷ lệ các ca nhiễm trùng không có triệu chứng là khoảng 46% ở Bắc Mỹ, 44% ở châu Âu và 28% ở châu Á.
Min Liu - tác giả nghiên cứu cho biết: “Tỷ lệ số ca bệnh không triệu chứng khá cao cho thấy nguy cơ lây lan tiềm ẩn từ những người này. Chính phủ các quốc gia nên sàng lọc những ca bệnh không có triệu chứng, và những người này phải được quản lý tương tự những ca bệnh có triệu chứng, bao gồm cách ly và truy vết".